An Giang chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

04/08/2023 - 05:17

 - Tỉnh hiện có 29 dân tộc sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 119.219 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 5,3% dân số toàn tỉnh An Giang. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Từ đó, kinh tế vùng đồng bào DTTS chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống của bà con được cải thiện.

Họp mặt, tặng quà tri ân người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu

Toàn tỉnh An Giang hiện có 3.161 hộ nghèo (chiếm 21,2% hộ nghèo toàn tỉnh), 2.106 hộ cận nghèo (chiếm 8,6% hộ cận nghèo toàn tỉnh) trong vùng đồng bào DTTS; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm. Để nâng cao đời sống văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức ngày lễ, Tết theo phong tục cổ truyền. Hoạt động văn hóa - văn nghệ ngày càng phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tất cả xã, phường, thị trấn trong vùng đều được phủ sóng phát thanh - truyền hình, sóng điện thoại, Internet; tỷ lệ người dân được nghe, nhìn phát thanh truyền hình gần 100%. Những nơi có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, truyền thông bằng ngôn ngữ Việt và Khmer để bà con kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 96,5%, học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 99,9%, học sinh THCS đạt trên 95%, học sinh THPT đi học đạt 90%; trẻ em DTTS đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học tăng, học sinh DTTS hoàn thành chương trình các cấp học đạt yêu cầu.

Ngành y tế quan tâm tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đồng thời, chủ động tấn công, trấn áp các loại tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ... góp phần giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình, chính sách dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Điển hình như tại TX. Tịnh Biên, đời sống bà con DTTS Khmer khấm khá hơn, diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc. Bà Neàng Sa (ngụ phường An Phú) chia sẻ: “Có nhà ở ổn định, chúng tôi yên tâm chăn nuôi sản xuất, chung tay xây dựng phum, sóc”.

TX. Tân Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS Chăm trong bảo tồn làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chính sách an sinh xã hội. Phòng Kinh tế TX. Tân Châu cho biết, để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ năm 2011, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách thay đổi công nghệ, máy móc, tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất của làng nghề tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại hội chợ cả nước.

Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne cho biết: “Chúng tôi thường tặng quà lưu niệm; tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức học tập kinh nghiệm công tác và các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; họp mặt người có uy tín trong đồng bào DTTS. Vào các dịp Tết cổ truyền của đồng bào, nhiều cấp, ngành tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà; tổ chức họp mặt; cấp phát Báo An Giang, Báo Dân tộc và Phát triển cho người có uy tín”.

“Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín góp phần khuyến khích, động viên kịp thời tinh thần của bản thân và gia đình người có uy tín. Cá nhân người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và chính sách dân tộc. Các vị được bà con tin tưởng, chia sẻ mọi mặt đời sống xã hội, là cầu nối, giữ mối thông tin liên lạc giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào DTTS. Họ còn là lực lượng quan trọng trong hòa giải ở cơ sở, giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng, cũng là nơi tiếp nhận thông tin phản hồi nhanh nhất từ người dân với chính quyền địa phương...” - Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne chia sẻ.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình, dự án, chính sách dân tộc; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS, phản ánh kịp thời lên cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, phối hợp giữ vững, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc; thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết.

HẠNH CHÂU