Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Thuần cho biết, từ năm 2016 đến nay, VNPT đã phối hợp Sở TT&TT và các sở, ngành xây dựng và triển khai hạ tầng mạng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử. Qua gần 5 năm hợp tác đã đạt nhiều kết quả quan trọng: hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phát triển đồng bộ, rộng khắp; các giải pháp, các phần mềm được ứng dụng hiệu quả, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Mạng truyền số liệu chuyên dùng An Giang đã triển khai đến 156 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan quản lý nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, đảm bảo tổ chức hội nghị truyền hình từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đến các UBND huyện, thị xã, thành phố.
Tỉnh đã triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông 17 sở, ngành, 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố, 156 xã, phường. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đạt 73,10%, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 97%. Từ đó góp phần nâng kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017, 2018, An Giang xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 28 bậc so năm 2016; chỉ số hiện đại hóa nền hành chính năm 2018 xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố; đặc biệt, năm 2019 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này đã đưa An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, năm 2019 An Giang đạt 66,44 điểm (tăng 2,79 điểm), xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 7 bậc) và thuộc nhóm điều hành “khá”.
Giám đốc VNPT An Giang Trần Thái Tuyên chia sẻ, đến nay, VNPT An Giang đã phát triển, hiện đại hóa mạng lưới, đưa nhiều dịch vụ mới vào khai thác, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc ngày càng cao của người dân, phục vụ đắc lực sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong số hóa và phát triển kinh tế - xã hội. VNPT triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký kết giữa VNPT và UBND tỉnh An Giang; các nội dung thuộc “Đề án An Giang điện tử” đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước và từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh An Giang.
Nhiều ứng dụng, hệ thống công nghệ thông minh đã được áp dụng tại An Giang, tạo tiện ích trên nhiều lĩnh vực như: các hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông, quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành, “du lịch thông minh”, “quản lý lưu trú trực tuyến”, phòng họp không giấy tờ, camera an ninh, phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, hệ sinh thái giáo dục thông minh 4.0… VNPT đã được UBND tỉnh An Giang giao xây dựng Đề án “An Giang điện tử” với nhiều lĩnh vực như: chính quyền điện tử, nông nghiệp, du lịch, an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên và môi trường… Những nội dung này sẽ được đẩy mạnh triển khai trong thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giữa UBND tỉnh và VNPT địa bàn giai đoạn 2020-2025.
VNPT phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố, triển khai Hệ thống “Du lịch thông minh”; triển khai hệ thống phòng họp không giấy cho Sở TT&TT và 6/11 huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống camera an ninh; triển khai hệ thống quản lý giáo dục thông minh vnEdu 4.0, cung cấp sản phẩm vnEdu trên 100 trường học, gần 65.000 học sinh có sổ liên lạc điện tử; 2.155 đơn vị tham gia đăng ký kê khai bảo hiểm xã hội qua hệ thống của VNPT; VNPT đã cung cấp cho 5.567 chữ ký số phục vụ kê khai thuế điện tử và giao dịch dịch vụ công; triển khai hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho 179 cơ sở y tế; 100% cơ sở y tế triển khai phần mềmVNPT-His kết nối liên thông với Cổng dữ liệu của Bộ Y tế và Cổng giám định bảo hiểm y tế quốc gia.
Giám đốc Sở TT&TT Trương Minh Thuần cho biết, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mua, bán qua các sàn thương mại điện tử; mời các DN, tổng công ty, tập đoàn công nghệ trong nước triển khai các mô hình chuyển đổi số. Hiện, tỉnh có 8 lĩnh vực đang ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số là: y tế, du lịch, nông nghiệp, giao thông - vận tải, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng, an ninh - trật tự biên giới. Để thúc đẩy chuyển đổi số hỗ trợ DN, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất chuỗi giá trị hàng hóa; thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính hỗ trợ người dân, DN... từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xã hội số, nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển An Giang thành nơi đáng sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đề nghị, để thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác chiến lược viễn thông - công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tiếp tục hợp tác, hỗ trợ tỉnh triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đặc biệt chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang. Qua đó, yêu cầu lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố gương mẫu, đi đầu trong khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương. Xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp từng đơn vị theo Đề án An Giang điện tử và các nội dung theo chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang; triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung tại tỉnh tạo động lực để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hướng đến chính quyền số, xã hội số, nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
HẠNH CHÂU