An Giang đổi mới công tác dân vận

07/07/2023 - 07:19

 - Bám sát chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng chuyển biến tích cực theo hướng thực chất, cụ thể. Qua đó, góp phần giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Liêm cho biết, nửa nhiệm kỳ qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được triển khai đồng bộ với những mô hình hay, cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên hưởng ứng thực hiện hiệu quả, thiết thực. Hệ thống dân vận các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 01-KL/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có 9.944 mô hình của tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, kết quả đã thực hiện 8.926 mô hình. Từ đầu năm đến nay, có 2.386 mô hình đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”; 290 mô hình đăng ký ở nhóm “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

“Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cùng với đó, hình thức phát động các phong trào ngày càng phong phú, phù hợp, thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia” - bà Nguyễn Thị Liêm chia sẻ.

Tiêu biểu là: Phong trào phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Tết quân - dân”…

Các nguồn quỹ: Vì người nghèo, Xã hội công đoàn, Hậu phương quân đội, Đền ơn đáp nghĩa… đã vận động được nguồn lực hỗ trợ rất lớn để xây dựng cầu nông thôn, cất mới và sửa chữa nhà ở, thăm hỏi trợ cấp ốm đau, chăm lo gia đình chính sách, người yếu thế… 6 tháng đầu năm 2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh tiếp nhận tiền và hiện vật trị giá hơn 145 tỷ đồng, đã cất mới 694 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 72 căn; thăm hỏi tặng quà trên 256.600 lượt hộ nghèo, trợ giúp khó khăn đột xuất 29.709 trường hợp và giúp đỡ trên 7.630 học sinh nghèo.

Tại huyện Châu Thành, bên cạnh các phong trào thi đua, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp tổ chức diễn đàn “Lắng nghe dân nói” tại 3 xã, có 170 lượt người dự, với 17 ý kiến, phản ánh của nhân dân về an ninh trật tự, điện nước, chế độ bảo hiểm xã hội.

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Châu Thành Đoàn Hồng Danh cho biết, những ý kiến của nhân dân tại diễn đàn được các ngành, địa phương ghi nhận và giải đáp cụ thể. Kết quả trên góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Mô hình trên cũng được đẩy mạnh trên địa bàn huyện Thoại Sơn theo chủ trương hướng về cơ sở. Ban Dân vận Huyện ủy còn tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề tại cấp huyện giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với thanh niên tiêu biểu; công nhân, người lao động.

“Đây là mô hình có ý nghĩa quan trọng, giúp cho lãnh đạo các cấp thấu hiểu những vấn đề tồn tại. Từ đó, giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền có sự điều hành, giải quyết phù hợp hơn, sát với đời sống nhân dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân” - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Thơ nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, dù đối mặt với những thách thức và cơ hội đan xen nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh, nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh dần ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững. Nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai nhằm đảm bảo đời sống và chăm lo cho nhân dân sau đại dịch COVID-19. Có thể khẳng định trong kết quả chung đó, có sự đóng góp to lớn của hệ thống dân vận các cấp nửa nhiệm kỳ qua, thể hiện nhiều kết quả nổi bật.

Ông Lê Văn Nưng yêu cầu cấp ủy Đảng các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác dân vận, quán triệt trong đội ngũ cán bộ về vai trò, vị trí công tác dân vận. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy chế 20-QC/TU của Tỉnh ủy về công tác dân vận của hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng chủ động giao cho hệ thống dân vận các cấp những nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời động viên, khen thưởng. Quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực để hệ thống dân vận thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, đạo đức công vụ theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Cùng với đó, tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng chỉ đạo Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có những giải pháp cụ thể nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh, địa phương theo phương châm “Đổi mới trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”.

MỸ HẠNH