An Giang dồn sức cho Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ

24/11/2022 - 07:22

 - Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Đề án đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Trong đó, sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp (DN), người dân là yếu tố quyết định; sự đồng bộ ở các đơn vị, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm thành công của chuyển đổi số.

Thu thập thông tin làm thẻ căn cước công dân

“Chạy đua” với số hóa

“Thời gian qua, sở, ngành và UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án 06 tại đơn vị, địa phương. Lực lượng công an phát huy tốt vai trò thường trực trong tham mưu triển khai đề án. Về cơ bản, tỉnh đã hoàn thành các nhóm nhiệm vụ theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra. Ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương được nâng lên, bước đầu tạo được sự đồng thuận của người dân, DN trong quá trình thực hiện” - đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang (Tổ phó Thường trực Tổ công tác của tỉnh về triển khai Đề án 06) thông tin.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh đã triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu (đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, nhóm TTHC liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi…); đang kết nối, tích hợp trên môi trường thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 17 dịch vụ công thiết yếu còn lại đang triển khai trên phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương, sẽ do bộ, ngành kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

An Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác số hóa sổ hộ tịch (năm 2003), trước khi có phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp (năm 2016). Theo Sở Tư pháp, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ trên 15.000 quyển sổ hộ tịch các loại, với hơn 3 triệu dữ liệu hộ tịch giai đoạn 2015 trở về trước; cần phải số hóa trên 3,6 triệu dữ liệu hộ tịch. Đến tháng 10/2022, có 335.696 dữ liệu số hóa được đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp (đạt 30% trên tổng số dữ liệu hộ tịch đã được số hóa).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh vẫn chưa đảm bảo điều kiện về an ninh, an toàn để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ triển khai Đề án 06 tại đơn vị, địa phương còn yếu và thiếu, nhất là trang thiết bị phục vụ triển khai công tác số hoá hồ sơ, giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp. Một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự chủ động triển khai nhiệm vụ đã được phân công. Số lượng, tỷ lệ người dân, DN đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến còn thấp…

Nhiệm vụ quan trọng, phức tạp

“Việc triển khai thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, phức tạp. Do đó, thủ trưởng, người đứng đầu sở, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc đề án; tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án trong những tháng cuối năm 2022, tạo tiền đề cho năm 2023 và những năm tiếp theo” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (Tổ trưởng Tổ công tác của tỉnh về triển khai Đề án 06) đề nghị.

Sau gần 1 năm thực hiện đề án, trên cơ sở những nội dung làm được và chưa được, tỉnh gấp rút thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian gần nhất. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan, khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật, TTHC thuộc thẩm quyền ban hành (có quy định việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự) để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm có hiệu lực trước ngày 31/12/2022. Sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết TTHC, giao dịch dân sự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Về công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương rà soát, đánh giá lại tổng thể trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ triển khai đề án tại cấp tỉnh, huyện, xã; khẩn trương đề xuất mua sắm thêm trang thiết bị (máy tính, máy scan…), bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tiến độ triển khai số hóa hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp. Từng sở, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ, số lượng người dân, DN đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa phương. Cần tăng số lượng, thời lượng đưa tin tuyên truyền về tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Sở, ngành, địa phương (kể cả cấp xã) phải tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả thiết thực Đề án 06 mang lại. Cán bộ, công chức, viên chức phải xung kích, đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID di động; hoặc đến Công an làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử cùng căn cước công dân, cấp tài khoản định danh điện tử khi đã có thẻ căn cước công dân. Khi chúng ta đồng tâm, hiệp lực, tin tưởng sẽ gặt hái kết quả tốt trong thực hiện Đề án 06”.

GIA KHÁNH