Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng hiện đã được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến từ các bộ, ngành hiện đã hoàn tất với điểm nhấn quan trọng là việc xóa bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và ngân hàng có đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng.
Điều kiện cấp giấy phép sản xuất vàng miếng
Ông Đào Xuân Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vàng trang sức mỹ nghệ, nhưng phần lớn đều có quy mô nhỏ và phụ thuộc vào nguồn vàng nguyên liệu trong nước.
“Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Nghị định đã tạo ra cơ chế cấp phép cho một số doanh nghiệp và ngân hàng đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng miếng và vàng trang sức mỹ nghệ. Quy định này hứa hẹn không chỉ tăng cung vàng nguyên liệu mà còn giúp nâng cao sự cạnh tranh trên thị trường vàng trang sức,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Dự thảo, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn nhập khẩu vàng nguyên liệu phải xây dựng quy định nội bộ công khai, minh bạch và đảm bảo hệ thống thông tin giao dịch được kết nối với các cơ quan chức năng. Điều này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng mà còn giảm tình trạng chênh lệch giá giữa các thương hiệu và tạo ra nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Điểm đáng chú ý của Dự thảo là việc bãi bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng của Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp và ngân hàng muốn sản xuất vàng miếng phải đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 50.000 tỷ đồng đối với các ngân hàng.
Hiện tại, trên thị trường có 38 doanh nghiệp và ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng, nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp và ngân hàng đầu ngành mới đủ điều kiện vốn để tham gia sản xuất vàng miếng.
Các doanh nghiệp có thể kể đến như Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Tập đoàn DOJI. Về phía ngân hàng, những cái tên lớn như Vietcombank, VPBank, Techcombank, BIDV, MB, VietinBank và Agribank đều có vốn điều lệ trên 50.000 tỷ đồng và có thể đáp ứng các yêu cầu mới.
Dự thảo Nghị định cũng bãi bỏ một số thủ tục hành chính đồng thời bổ sung thêm các thủ tục liên quan đến cấp phép nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng trang sức mỹ nghệ. Các thủ tục này được bổ sung nhằm đảm bảo thực thi các mục tiêu của Chính phủ, đồng thời bảo vệ sự cạnh tranh và quản lý có kiểm soát của Nhà nước.
Các doanh nghiệp và ngân hàng muốn sản xuất vàng miếng phải đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 50.000 tỷ đồng đối với các ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)
Theo Ngân hàng Nhà nước, các điều kiện mới trong Dự thảo Nghị định nhằm đảm bảo chỉ những tổ chức có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm mới có thể tham gia vào hoạt động sản xuất vàng miếng. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp và ngân hàng, đồng thời tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường vàng trong nước phát triển ổn định hơn.
Dự thảo cũng sẽ giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung vàng miếng từ nước ngoài, tạo ra một hệ sinh thái sản xuất vàng miếng trong nước. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường vàng miếng cũng sẽ đối mặt với những thách thức như việc kiểm soát giá vàng trong nước, sự minh bạch trong hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu và quản lý thị trường vàng trang sức.
Thị trường vàng vẫn trong tình trạng “chờ đợi”
Sau khi dự thảo sửa đổi Nghị định 24 được công bố, thị trường vàng trong nước đã ghi nhận những biến động nhỏ. Mặc dù giá vàng thế giới tăng giảm mạnh, nhưng giá vàng trong nước lại biến động chậm và giữ mức cao. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện lên đến 15 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC và từ 11-13 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn. Chính phủ đã yêu cầu giảm mức chênh lệch này xuống còn 1-2%, tức là giá vàng trong nước cần phải giảm khoảng 9-12%, tương đương với khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đánh giá thị trường vàng hiện nay đang chờ những thông tin mới, còn nguồn cung trên thị trường vẫn chưa có gì thay đổi. Việc tăng cung chỉ có mấy biện pháp như bán vàng miếng SJC như năm 2024 và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Còn một nguồn cung nguyên liệu khác là các công ty thu mua vàng trong dân về phân kim nhưng cách này tốn chi phí hơn và khối lượng cũng không cao. Chính vì vậy, giá vàng bất động trong thời gian qua dù giá thế giới có tăng giảm mạnh với biên độ từ 40-50 USD/ounce.
Được ban hành từ năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ thực thi, những biến động mạnh mẽ của thị trường cùng sự thay đổi trong môi trường kinh tế đã khiến nhiều quy định trong Nghị định này trở nên lạc hậu.
Khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, cùng những hạn chế về cạnh tranh và minh bạch trên thị trường vàng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, cập nhật khung pháp lý quản lý lĩnh vực này.
Các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi thông tin từ các cơ quan chức năng về các chính sách mới. (Ảnh: Vietnam+)
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực thi Nghị định 24, làm cơ sở xây dựng định hướng điều hành mới, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tăng cường hiệu quả quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24. Dự thảo này đã được cơ quan điều hành tiền tệ chính thức công bố, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý thị trường vàng hiện nay.
Chính vì vậy dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng là một bước đi quan trọng trong việc điều chỉnh thị trường vàng tại Việt Nam. Mặc dù mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và ngân hàng tham gia vào thị trường vàng miếng, nhưng cũng không thiếu thử thách. Thị trường vàng vẫn cần thời gian để điều chỉnh, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.