Theo đó, Sở Công thương An Giang phối hợp siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) tổ chức 3 chuyến bán hàng Việt tại chợ Long Bình (thị trấn Long Bình), chợ Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện An Phú) và chợ Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên). Các chuyến xe lưu động đến điểm bán, tổ chức bán trực tiếp trên xe.
Sản phẩm, hàng hóa tham gia chuyến bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, ưu đãi giảm giá do cơ sở, DN uy tín cung cấp; tập trung chủ yếu vào nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Mỗi điểm bán trong 1 ngày (từ sáng đến chiều) và di chuyển sang điểm bán khác. Tại điểm bán dựng bảng tuyên truyền về hàng Việt; phòng, chống dịch COVID-19 và tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chuyến hàng lưu động của siêu thị Tứ Sơn
Phó Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Nguyễn Hoài Tâm cho biết, đơn vị triển khai các chuyến xe lưu động bán hàng thiết yếu cho người dân, doanh thu đạt hơn 34 triệu đồng. Tất cả người dân đều ủng hộ, cho rằng đây là việc làm cần thiết, tạo điều kiện để họ mua hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày với giá bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Ngày 14-1, siêu thị Co.opmart Thoại Sơn (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mở điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại số 2220, đường Trần Hưng Đạo (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), phục vụ bà con đến hết Tết Nguyên đán.
Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Thoại Sơn Mai Ngọc Đoàn, điểm bán hàng với nhiều mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hàng ngày, như: Sản phẩm của ngành hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, đồ dùng và may mặc… tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Các sản phẩm có giá khuyến mãi từ 5 - 30%, cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khác.
Bên cạnh đó, siêu thị hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản địa phương đang gặp khó khăn về đầu ra do dịch bệnh COVID-19, như: Dưa leo, thanh long, bưởi da xanh… Ngày 18-1, siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tổ chức điểm bán hàng lưu động tại chợ thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn). Các chuyến xe lưu động bán hàng thiết yếu cho người dân trên địa bàn thị trấn Óc Eo và phường Mỹ Thới đến nay đạt doanh thu hơn 55 triệu đồng.
Vào thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao, việc tổ chức các chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn với giá cả bình ổn là cần thiết. Chuyến hàng thu hút khá nhiều người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Người dân đánh giá chuyến hàng đã cung cấp lượng hàng hóa phong phú, cùng với các dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp điều kiện kinh tế của gia đình ở nông thôn.
Đặc biệt, trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán trà trộn trên thị trường như hiện nay, việc tổ chức chuyến hàng đã giúp người dân vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận mặt hàng chất lượng, xuất xứ và giá cả hợp lý. Tại các nơi phối hợp tổ chức, chính quyền địa phương nhiệt tình hỗ trợ, thông báo thời gian, địa điểm cho bà con đến mua hàng, đảm bảo an ninh trật tự, quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Điểm bán hàng lưu động của Co.opmart Thoại Sơn
Chị Huê (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi rất yên tâm khi mua hàng hóa của siêu thị. Mua hàng ở ngoài chợ, giá cả không ổn định, vào đây không sợ mua lầm hàng giả. Chất lượng hàng hóa làm tôi rất yên tâm, đặc biệt là giá rất hợp lý”.
Chị Ngọc (ngụ thị trấn Óc Eo) chia sẻ: “Hiện nay, thị trường hàng hóa thật giả lẫn lộn, khó phân biệt. Nên khi có chuyến hàng hay phiên chợ hàng Việt về nông thôn tôi đều đến tham quan, mua sắm. Hàng hóa ở đây có nguồn gốc rõ ràng, giá cả cũng vừa túi tiền”.
Chị Thu An (ngụ xã Thới Sơn) bày tỏ: “Gần như năm nào tôi cũng chờ siêu thị tổ chức chuyến hàng Việt về nông thôn, mang hàng tới địa phương để mua sắm Tết. Thích nhất là các loại hàng gia dụng, thiết yếu. Tôi nghĩ, DN cần tổ chức nhiều chuyến hàng hơn, hàng hóa nhiều hơn để phục vụ bà con”.
Sở Công thương An Giang cho biết, chương trình tạo cơ hội cho DN tiếp cận thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng nông thôn. Mặt khác, giúp người dân nông thôn được tiếp cận với sản phẩm do DN trong nước sản xuất chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, giúp người tiêu dùng nông thôn biết, tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt, kích cầu và xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Các DN còn kết hợp tuyên truyền một số nội dung về phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện chính sách bán hàng trực tuyến, qua điện thoại, giao hàng tận nơi...
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU