.jpg)
Hoạt động giao dịch tại ngân hàng (Trước thời điểm giãn cách xã hội).Ảnh: H.C
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Để triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của NHNN Việt Nam về các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh, tỉnh đề nghị các tổ chức tín dụng xây dựng và điều chỉnh phương án ứng phó phòng, chống dịch, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí, cho vay mới… Đồng thời, thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, các chính sách hỗ trợ để người dân, DN được biết”.
Các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, các ngành nghề đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD); phối hợp ngành ngân hàng để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Ông Dũng thông tin thêm, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 74.423 khách hàng thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 được hỗ trợ: cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới 63.222 tỷ đồng, chiếm 72,4% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ được miễn, giảm lãi vay 9.430 tỷ đồng, với 7.884 khách hàng; tiền lãi khách hàng được miễn, giảm lãi suất vay 16,45 tỷ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.098 tỷ đồng, với 7.148 khách hàng; cho vay mới 52.695 tỷ đồng, với 59.391 khách hàng.
Các tổ chức tín dụng quan tâm chia sẻ, đồng hành, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như: miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay nhằm giúp người dân và DN từng bước khôi phục hoạt động SXKD, góp phần hạn chế tín dụng đen, cho vay nặng lãi...
.jpg)
Ảnh: THANH HÙNG
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng, như: cơ cấu thời hạn nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới, nhiều tổ chức tín dụng còn giảm, miễn phí chuyển tiền, như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) kể cả trong và ngoài hệ thống.
Đồng thời, triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các ngân hàng đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhằm nhanh chóng phục hồi SXKD.
Điển hình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hỗ trợ các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1-1,5% so với kỳ trước. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay; dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của Vietinbank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, một số ngân hàng TMCP, ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính tích cực triển khai các gói tín dụng đối với khách hàng với lãi suất phù hợp, có thể kể đến, như: Bắc Á, Hàng Hải, An Bình, Việt Nam Thương tín, Nam Á, Kỹ thương, Bảo Việt, Sài Gòn công thương...
Ông Dũng chia sẻ, trước bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, ngành ngân hàng có nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay giúp khách hàng khôi phục SXKD, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay phục vụ SXKD, đầu tư, tiêu dùng… của đông đảo người dân và DN với độ phủ rộng cả về quy mô và mạng lưới, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 61 tổ chức tín dụng đầu mối, với 14 chi nhánh trực thuộc, 136 phòng giao dịch, 157 điểm giao dịch và 24 điểm giới thiệu dịch vụ. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội có điểm cho vay, thu nợ ở các xã, phường, thị trấn và 24 Quỹ tín dụng nhân dân có địa bàn hoạt động ở 144/156 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
.jpg)
Ảnh: H.C
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng, phát triển ổn định, quan tâm chia sẻ, đồng hành với khách hàng vay, giảm tiền lương, tiền thưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm giúp người dân và DN từng bước khôi phục hoạt động SXKD.
Đồng thời, giải quyết đáng kể nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của đông đảo người dân, DN, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm bình quân trên 10%, đáp ứng nhu cầu mở rộng SXKD của DN và tiêu dùng của người dân. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”, tình trạng cho vay nặng lãi, nhất là tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
HẠNH CHÂU