An Giang khẩn trương triển khai ứng phó bão số 9

24/11/2018 - 17:46

 - Sáng 24-11, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh ký công văn khẩn trương triển khai ứng phó do ảnh hưởng bão số 9 trên địa bàn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp không khí lạnh, An Giang sẽ có mưa to (100-200 mm/đợt), khả năng xảy ra dông và lốc xoáy.

Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân do ảnh hưởng của bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Cụ thể:

An Giang chủ động ứng phó bão để hạn chế thiệt hài tài sản người dân

UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động tuyên truyền cho người dân hiểu, biết các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ, ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đảm bảo diện tích xuống giống, khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chỉ đạo lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu tạm…, để đề phòng các đợt mưa gây ngập úng cục bộ, bảo vệ tốt diện tích sản xuất vụ thu đông năm 2018 vụ đông xuân 2018 - 2019 (chú trọng diện tích sản xuất lúa và rau màu).

Cưa, chặt mé các cây cao có khả năng đổ ngã, nhất là những cây gần nhà và ven sông rạch. Rà soát và kiểm tra các hệ thống đê bao, tăng cường gia cố các tuyến đê xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở khi có mưa lớn xảy ra giải pháp bảo vệ các lồng bè, ao nuôi thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp do bão gây ra.

Đồng thời, tích cực triển khai có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu; chuẩn bị vật tư và phương tiện để ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện tốt chế độ trực 24/24 và báo cáo nhanh về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh (nếu địa phương có bị ảnh hưởng), để UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó kịp thời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tổ chức kiểm tra đê bao, cống bọng và trạm bơm tiêu, kịp thời chống úng bảo vệ diện tích thu hoạch vụ thu đông 2018.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý bảo vệ ăn chắc vụ thu đông và diện tích xuống giống vụ đông xuân 2018-2019.

Công ty TNHH MTV môi trường đô thị An Giang khẩn trương kiểm tra, chặt mé cây trong nội ô TP. LongXuyên, trực 24/24 để xử lý tình huống cây đỗ ngã, ách tắt giao thông.

Cơn bão số 9 đang có xu hướng dịch chuyển lệch xuống phía nam. Dự báo, đêm 24-11, cơn bão này sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ.

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) đêm nay mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ, với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 25-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,0 độ vĩ Bắc; 106,2 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 23 đến 26-11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

HẠNH CHÂU