An Giang: Kiến nghị nhiều vấn đề trước kỳ họp Quốc hội khóa XIV

07/10/2020 - 06:17

 - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế càng khó khăn hơn, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và của nhiệm kỳ 2016-2020 của An Giang chưa đạt kế hoạch đề ra. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và người dân, UBND tỉnh kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiều vấn đề trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh và sở, ban, ngành. Ảnh: GIA KHÁNH

Đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến Luật Đất đai 2013

UBND tỉnh đề xuất 6 nội dung còn “lấn cấn” trong luật, chưa phù hợp thực tiễn. Điển hình như quyền được lựa chọn hình thức sử dụng đất của DN. Theo Khoản 1, Điều 56, DN sử dụng đất vào mục đích sản xuất - kinh doanh (SXKD)thì buộc phải chuyển sang hình thức thuê đất. Hình thức này thời gian qua không được DN đồng tình ủng hộ, dễ gây hiểu nhầm là nhà nước sẽ thu hồi lại đất sau khi hết thời hạn thuê đất (nhất là các trường hợp ban đầu là đất do DN nhận chuyển nhượng đất từ người dân, không phải đất công, nhưng do loại hình dự án (SXKD, thương mại - dịch vụ) buộc phải chuyển sang thuê đất của nhà nước.

UBND tỉnh đề xuất Quốc hội khi sửa Luật Đất đai 2013, có cân nhắc về chế độ sử dụng đất (giao đất hay thuê đất), tính đến nguyện vọng được giao đất của DN. Đối với hình thức sử dụng là thuê đất, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của DN sau khi hết thời gian thuê đất; mở rộng quyền cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với DN thuê đất trả tiền hàng năm, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sơ cấp mời gọi nhà đầu tư thứ cấp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, đề xuất Quốc hội bổ sung quy định cụ thể trường hợp nào người sử dụng đất được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất, trường hợp nào nhà nước xem xét, quyết định; sửa đổi quy định “chỉ đối với trường hợp được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê thì có quyền như thuê đất trả tiền hàng năm”; cần xác định rõ thời gian chậm tiến độ sử dụng đất; phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chuyển mục đích đất trồng lúa; bổ sung quy định cho phép ràng buộc thời gian người trúng đấu giá phải đầu tư xây dựng công trình trên khu đất trúng đấu giá, để đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả.

Mong nhiều dự án lớn sớm được triển khai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên được UBND TP. Long Xuyên thực hiện cơ bản hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã bàn giao cho chủ đầu tư vào ngày 20-8 vừa qua. Tỉnh rất mong Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm triển khai thi công dự án, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông, phát triển kinh tế cho An Giang.

Tương tự, dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức lấy ý kiến các đơn vị có liên quan làm cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, sẽ triển khai trước đoạn từ nút giao thông Tỉnh lộ 943 (An Giang) đến Quốc lộ 60 (Sóc Trăng). Trong khi đó, Quốc lộ 91 đoạn qua An Giang (Long Xuyên - Châu Đốc) có lưu lượng xe rất lớn, vào mùa Lễ hội Vía bà Chúa xứ núi Sam thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Tỉnh kiến nghị Trung ương ưu tiên đầu tư giai đoạn I, thực hiện trước đoạn tuyến Châu Đốc - Long Xuyên, nhằm giảm áp lực cho Quốc lộ 91”.

Dự án xây dựng công trình cầu Tôn Đức Thắng (từ trung tâm TP. Long Xuyên sang xã Mỹ Hòa Hưng) được Bộ GTVT ủng hộ chủ trương cho thực hiện vào tháng 3-2020. Khu vực công trình dự kiến xây dựng nằm trên nhánh phải sông Hậu (cũng là nhánh sông chính). Theo quy định, đây là đoạn sông có cấp sông đặc biệt, công trình cầu phải đạt tĩnh không thông thuyền là 37,5m. Quy mô này đòi hỏi kinh phí xây dựng rất lớn. Khả năng huy động nguồn lực của địa phương để xây dựng hoàn thành công trình được đánh giá là khó khả thi.

Hiện nay, nhánh trái sông Hậu tại khu vực này đang được nạo vét thông luồng và thực hiện các dự án chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ sông. Sau khi các dự án hoàn thành, đoạn sông này sẽ đạt các thông số kỹ thuật về chuẩn tắc luồng đường thủy theo cấp sông đặc biệt. Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho chuyển nhánh chính sông Hậu từ nhánh phải sang nhánh trái, đồng thời giảm cấp sông cho nhánh phải, để thuận lợi thi công công trình.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khẳng định: “Từ đầu năm đến nay, An Giang có 4 việc “làm được” rõ nét. Đó là tăng trưởng kinh tế mức độ phù hợp, đảm bảo sự phát triển của địa phương trong điều kiện khó khăn chung; có những tín hiệu mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo; triển khai một số dự án đầu tư công, tạo khí thế, tiền đề cho nhiệm kỳ tới; sau Đại hội Đảng các cấp có bước kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, tạo sinh khí mới, nhiệt huyết mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức cần phải đối diện: dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; nguồn thu ngân sách sụt giảm đáng kể; nguy cơ thiên tai, biến đổi khí hậu; giao thời giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND các cấp… Các đề xuất, kiến nghị của sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh đều thiết thực, sát đáng, mang tầm chiến lược của địa phương, của vùng. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang sẽ góp ý, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ ở các diễn đàn phù hợp, ưu tiên những vấn đề bức thiết, cần xử lý trước mắt.

Về phía tỉnh, cần rà soát lại các vướng mắc, nội dung cần Trung ương hỗ trợ, đăng ký làm việc cùng các bộ, ngành có liên quan để được hỗ trợ kịp thời; rà soát danh mục đầu tư công nhiệm kỳ mới để đề xuất Trung ương ưu tiên đầu tư. Đặc biệt, xem xét đầy đủ vấn đề, đăng ký làm việc với bộ, ngành chủ quản, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho DN, người dân”.

 GIA KHÁNH