An Giang luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc trẻ em

22/06/2022 - 05:02

 - Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng tích cực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình và xã hội. Tất cả 156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn An Giang đều triển khai Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Công tác kiểm tra, giám sát, kết nối dịch vụ cho trẻ khuyết tật được cộng tác viên khóm, ấp, khu dân cư tăng cường thực hiện có hiệu quả. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của gia đình và xã hội về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Các hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được nâng cao và có được sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Giai đoạn 2020-2021, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động và hỗ trợ 266 trẻ em được thực hiện khám sàng lọc, phẫu thuật tim, phẫu thuật chỉnh hình,… với tổng kinh phí hơn 9,8 tỷ đồng.

Bình quân mỗi năm, có hơn 80% trẻ em được khám sức khỏe định kỳ, hơn 2.000 trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. 100% trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật nặng không tự phục vụ được, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo, trẻ em nhận bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng đều được các địa phương hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật cũng đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Những nơi này hỗ trợ trẻ phục hồi chức năng bằng hình thức tập vật lý trị liệu tay, chân, toàn thân để tránh cho trẻ bị cứng cơ, đồng thời giúp cho trẻ tăng kỹ năng vận động ngồi, đứng và đi.

Ngoài ra, còn áp dụng nhiều biện pháp trợ giúp để tăng cường hoạt động các giác quan của trẻ như: Nghe, nhìn và nói. Các thiết bị y tế được áp dụng trong công tác phục hồi chức năng gồm: Ghế ngồi bại não, bàn chà tay-chân, bàn tập đứng, khung tập đi cho trẻ em...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chi hỗ trợ đột xuất cho 187 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 187 triệu đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Tính đến nay, đã có 276 lượt trẻ em được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cấp hỗ trợ với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã nhận làm mẹ đỡ đầu, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Chương trình "Nối vòng tay yêu thương" của Trung ương Đoàn… hỗ trợ cho các trẻ mồ côi do dịch COVID-19.

Công tác hỗ trợ trẻ em trong học tập cũng không ngừng được đẩy mạnh. Hàng năm, có hàng chục nghìn học sinh được hỗ trợ các chương trình học bổng, quà tiếp sức đến trường, xe đạp, tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, quần áo, phao cứu sinh, góc học tập,… với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được các cấp, các ngành và địa phương vận động mọi nguồn lực để tổ chức thăm, tặng quà, tạo điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí từ nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em cũng ngày càng được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 2 nhà thiếu nhi (1 cấp tỉnh, 1 cấp huyện); 4 huyện, thị xã, thành phố đang thi công xây dựng nhà thiếu nhi; nhiều sân chơi thể dục - thể thao; 115 hồ bơi cố định và lắp ráp di động nhằm hỗ trợ dạy bơi cho trẻ. Trên địa bàn các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh có 1.365 điểm trò chơi phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em…

“Chúng em xin cảm sự quan tâm đặc biệt của tất cả các cô chú đã tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần cho những học sinh khuyết tật chúng em. Chúng em xin hứa sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để trở thành những học sinh giỏi về học lực, tốt về đạo đức, có kỹ năng sống cơ bản, sớm hòa nhập với cộng đồng để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội”- em Nguyễn Thị Bích Tuyền, học sinh lớp 6 Trường Trẻ em khuyết tật An Giang, chia sẻ.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 450.768 trẻ, trong đó có 5.737 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (523 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, 4.762 trẻ em khuyết tật…). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 83%. Số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 33.768 trẻ, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 76%.

TRỌNG TÍN