An Giang một năm nỗ lực vượt khó

08/12/2020 - 06:23

 - An Giang có gần 100km đường biên giới giáp Campuchia nhưng nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên trên địa bàn tỉnh chưa có cas mắc bệnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân. Song, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế của tỉnh (GRDP) tuy có mức tăng thấp hơn cùng kỳ, nhưng là một nỗ lực lớn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của tỉnh đạt 5,45%; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha. Kim ngạch xuất khẩu đạt 930 triệu USD, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình xuất khẩu của tỉnh trong năm có lúc tăng trưởng chậm, đặc biệt là mặt hàng thủy sản, riêng mặt hàng gạo có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn do nhu cầu thị trường thế giới gia tăng. Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 7.083 tỷ đồng (đạt 104,82% so dự toán HĐND tỉnh giao).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến sự sụt giảm số dự án đầu tư. Kết quả, năm 2020, toàn tỉnh có 44 dự án đăng ký đầu tư mới (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 43 dự án đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký khoảng 7.348 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2019, số dự án chiếm 72,6% (giảm 17 dự án), nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 1,65% so cùng kỳ (tăng 119 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 272.384.958 USD, tổng vốn đầu tư thực hiện là 158.814.155 USD (chiếm 56,31% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Năm 2020, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực đưa kinh tế phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: THANH HÙNG

Kinh doanh thương mại của tỉnh cũng chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động mua, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 đạt 272.000 tỷ đồng (tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2019). Trong khoảng từ tháng 3 đến hết tháng 4-2020, do hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc nơi đông người, lượng khách đến các khu, điểm tham quan du lịch (DL) trên địa bàn tỉnh giảm mạnh.

Cụ thể, khách DL đến các điểm tham quan, DL trên địa bàn tỉnh khoảng 6,5 triệu lượt khách (giảm 30% so cùng kỳ năm 2019, đạt 65% kế hoạch năm 2020). Trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6-2020, tình trạng khách hủy tour, hủy phòng, dịch vụ khá nhiều, lượt khách lưu trú tại các khách sạn đạt chuẩn giảm 57% so cùng kỳ (cả năm khoảng 300.000 lượt, đạt 37,5% kế hoạch); 430.000 lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ; 15.000 lượt khách quốc tế (giảm 87,5% so cùng kỳ, đạt 7,5% kế hoạch).

Đồng thời, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh đã làm cho một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, DL phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên..., thậm chí có một số đơn vị phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm DL cũng giảm mạnh doanh thu. Kết quả, doanh thu từ hoạt động DL năm 2020 của tỉnh đạt 4.000 tỷ đồng (giảm 27% so cùng kỳ, đạt 53% so kế hoạch).

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, các cấp, ngành đã tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt việc hỗ trợ người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh... Cơ bản hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ 228.295 đối tượng, với tổng kinh phí chi trả trên 230.466 triệu đồng.

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá hợp lý. Công tác an sinh xã hội đảm bảo tốt, không để khu vực nào, người dân nào quá khó khăn trong bối cảnh khó khăn.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo quốc phòng - an ninh (kể cả an ninh biên giới, an ninh nội địa) đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… trong một năm diễn ra Đại hội Đảng 3 cấp…

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, vượt qua những khó khăn, đổi mới tư duy, tìm ra các giải pháp căn cơ giải quyết từng vấn đề cụ thể, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ.

THU THẢO