Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, An Giang rất cần nguồn cát san lấp công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng nên UBND tỉnh đã cấp phép cho 7 đơn vị với 11 khu mỏ khai thác cát sông, cấp giấy xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 2 dự án nạo vét thông luồng; 2 dự án nạo vét lòng hồ và 1 dự án cải tạo đất gò cao để phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26-3-2012 của Chính phủ và tham mưu UBND ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 18-5-2017. Đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 1 khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Vĩnh Hòa và xã Tân An (TX. Tân Châu).
Tuy nhiên, ngoài việc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác, nạo vét có thu hồi khoáng sản (cát sông) thì trên địa bàn tỉnh qua kiểm tra còn khoảng 37 phương tiện lớn nhỏ (ghe, sà-lan) có tải trọng từ 25 tấn đến hơn 70 tấn trang bị máy bơm hút cát sông trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường tại một số địa bàn thuộc huyện An Phú, Chợ Mới, TX. Tân Châu gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lén lút khai thác cát núi vào ban đêm, ngày nghỉ tại một số nơi thuộc các xã: An Cư, An Hảo, An Phú, Vĩnh Trung, Văn Giáo (Tịnh Biên) và xã Lương Phi (Tri Tôn).
An Giang tăng cường quản lý khai thác cát sông, cát núi
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Võ Hùng Dũng, cho biết: tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và khai thác cát núi tại 2 huyện: Tri Tôn và Tịnh Biên. UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong 2 năm (2017-2018), sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 7 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản với tổng trữ lượng cấp 122 là 10,7 triệu m3 và phê duyệt 47 hồ sơ với số tiền kê khai tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 185 tỷ đồng, đến nay đã thu hơn 98 tỷ đồng; về khai thác khoáng sản, hiện có 17 giấy phép còn hiệu lực. Việc triển khai gắn thiết bị “định vị” đối với các phương tiện khai thác cát sông theo chỉ đạo của UBND tỉnh chưa tổ chức thực hiện được do Bộ Tài nguyên - Môi trường mới dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và tổ chức lấy ý kiến vào tháng 5-2018.
Hàng năm, Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật cho cán bộ phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện các phóng sự, chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Công tác tuyên truyền còn được thể hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trình tự thủ tục hành chính và thực hiện các quy định về việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố còn tổ chức nhiều lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật cho các cán bộ làm công tác kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, các chủ bãi, vựa, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng có cát sông, cát núi trên địa bàn. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức họp dân (hoặc phát trên đài truyền thanh) thông tin các khu vực được UBND tỉnh cấp phép khai thác, thu hồi khoáng sản và những “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép để nhân dân tham gia giám sát.
An Giang tăng cường quản lý khai thác cát sông, cát núi
Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND cấp huyện rà soát lại quy hoạch các khu vực nạo vét thông luồng. Đến nay, đã tham mưu UBND tỉnh có chủ trương cho phép nạo vét thông luồng 3 dự án, đến nay đã thực hiện 2 dự án (dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu xã Châu Phong, TX. Tân Châu và dự án nạo vét thông luồng xép Khánh Hòa, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có tận thu khoáng sản). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp phòng, chống khai thác cát trái phép trong khu vực biên giới tỉnh An Giang kèm theo Quyết định số 1692/QĐ-UBND ngày 5-6-2017. Cục Thuế tỉnh đã kiểm tra, xử lý truy thu, phạt thuế đối với 17 doanh nghiệp có hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản về hành vi kê sai về thuế, bỏ ngoài sổ sách kế toán với tổng số tiền hơn 425 triệu đồng… Qua tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đã góp phần chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sông, đồng thời nâng cao nhận thức nhân dân và các doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện và Tổ kiểm tra cấp xã đã tăng cường trách nhiệm, có sự trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ đó, tình hình hoạt động khai thác khoáng sản đối với các đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác, nạo vét lòng sông, lòng hồ và cải tạo đất gò cao có thu hồi khoáng sản (cát) đã dần đi vào nề nếp. Các bãi, vựa và điểm bán vật liệu cát sông, cát núi được chấn chỉnh, việc kinh doanh đã đảm bảo thủ tục theo quy định; các phương tiện bơm hút cát sông, các xe cuốc khai thác cát núi trái quy định pháp luật giảm nhiều so với trước đây…
(Còn tiếp)
Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH