An Giang quyết tâm không để “dịch chồng dịch”

19/09/2023 - 02:51

 - “Các địa phương phải nêu cao ý thức phòng, chống dịch, tăng cường các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, diệt lăng quăng… không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt hơn, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Điều trị bệnh tay-chân-miệng tại Bệnh viện Sản-Nhi An Giang

UBND tỉnh An Giang yêu cầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, huy động quần chúng nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM).

Tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ đầu năm và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình ở khu vực ổ dịch theo chỉ định của ngành y tế…

UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; yêu cầu các cơ sở giáo dục có nơi rửa tay xà bông cho người chăm sóc trẻ và trẻ em.

Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường; hướng dẫn học sinh tham gia vào các hoạt động loại trừ lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, để phòng, chống dịch hiệu quả, Sở Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó; đẩy mạnh giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phòng - chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống.

Các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng, tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Huyện An Phú là một trong những địa phương điểm nóng dịch bệnh TCM (có 1 ca tử vong). Kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH, TCM tại huyện An Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan; sẵn sàng ứng phó, không để dịch bùng phát kéo dài, gây tử vong, không để “dịch chồng dịch”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, triệu chứng điển hình của TCM: Trẻ sốt, mệt mỏi; loét miệng, đau họng, biếng ăn; nôn ói; đi tiêu lỏng. Ở trẻ nhỏ hơn có các triệu chứng không ăn được, bỏ bú, vết loét ở miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, ở mông. Cần nhập viện khi trẻ sốt cao khó hạ hoặc sốt liên tục trên 2 ngày; nôn ói nhiều, bỏ bú; run giật tay chân, co giật, đi đứng loạng choạng; khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình chới với; da nổi mẩn, vân tím, thở nhanh, thở rít, khàn tiếng...

Khi trẻ bị TCM, cha mẹ tuyệt đối không được đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, để phòng bệnh cần thực hiện 3 sạch (bàn tay sạch; ăn uống sạch; ở sạch).

Đối với bệnh SXH, thường khởi phát với triệu chứng sốt và kéo dài trong 4 - 7 ngày. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như: Sốt cao, lên đến 40,50C; đau đầu nghiêm trọng; đau hốc mắt; đau khớp và cơ; buồn nôn và ói mửa; phát ban; nổi hạch.

Khi tiến triển thành SXH Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong 3 - 7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh; thân nhiệt sẽ giảm. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu: Đau bụng dữ dội; nôn ói liên tục; chảy máu lợi, chảy máu chân răng; nôn ra máu; thở nhanh; mệt mỏi, bồn chồn... thì lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Để phòng bệnh SXH, cần đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; chà rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp vật chứa, khơi thông dòng chảy... Loại bỏ các vật dụng phế thải, hốc nước tự nhiên, như: Vỏ dừa, hốc tre, vỏ xe cũ... Ngủ mùng, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà.

HẠNH CHÂU