Từ đói ăn...
Theo tư liệu ghi nhận, 10 năm sau ngày thống nhất đất nước (1975-1985), do ảnh hưởng cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, sức sản xuất bị kiềm hãm nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang rất chậm, hàng hóa vừa ít, vừa kém chất lượng, đất bị bỏ hoang hóa thường xuyên trên 30.000ha, xuất khẩu chỉ vài triệu USD... Năm 1978, sản lượng lương thực chỉ đạt 369.304 tấn, bình quân đầu người 375kg/năm, gần như thấp nhất vùng ĐBSCL (chỉ hơn Bến Tre) và không cung cấp đủ gạo ăn cho nhân dân trong tỉnh. Tổng trị giá hàng hóa Trung ương điều về cho An Giang gấp 7 lần hàng của tỉnh đưa về Trung ương.
Trước tình hình đó, tỉnh chỉ đạo phải tăng cường khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, tích cực chuyển đổi lúa một vụ (lúa mùa) sang lúa ngắn ngày có năng suất cao hơn. Chương trình thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng được tập trung đẩy mạnh trong toàn tỉnh, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho việc mở rộng lúa tăng vụ.
Giai đoạn 1986-1990, An Giang bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương “giá lương tiền”, giải phóng lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Lúc bấy giờ, nền kinh tế cả nước đang xuống thấp, lạm phát lên đến 700%, khủng hoảng kinh tế xuất hiện, đời sống nhân dân khó khăn, thất nghiệp gia tăng... Trước tình hình đó, tỉnh đã chuyển từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, giúp nền kinh tế dần hồi phục, thế mạnh nông nghiệp được phát huy.
Năm 1981-1982, nhận thấy cơ chế giá cả được chuyển đổi từ giá bao cấp “1 giá” của nhà nước không phù hợp thực tế, An Giang sớm cho chuyển sang cơ chế “2 giá” (gồm giá quốc doanh và giá thỏa thuận). Giai đoạn 1982-1986, tỉnh cho thực hiện hợp đồng kinh tế 2 chiều trong nông nghiệp, gồm giá trong nghĩa vụ (1kg Uré = 4kg lúa, 1 lít xăng = 8kg lúa) và giá khuyến khích. Đến năm 1987, tỉnh mạnh dạn chủ trương thực hiện cơ chế “1 giá” là giá thị trường của thời kỳ đổi mới. Từ đó, nông dân được tự do bán sản phẩm với giá mình chọn, kích thích năng lực sản xuất tăng lên nhanh chóng.
...thành “vựa lúa”
Thực hiện Chỉ thị số 47 của Bộ Chính trị, tỉnh đã có Quyết định số 303 tiến hành giao đất ruộng lại cho nông dân trực tiếp canh tác, tôn trọng quyền sử dụng hợp pháp ruộng đất lâu dài và ổn định của nông dân để phát triển sản xuất. Nhờ sự đổi mới này, năm 1988, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn.
Việc chuyển sang cơ chế thị trường đã tạo bước ngoặt trong định hướng sản xuất hàng hóa của tỉnh, đưa kim ngạch xuất khẩu năm 1989 đạt trên 60 triệu USD, gấp 9 lần năm 1985. Đến năm 1990, An Giang tập trung nguồn vốn 66,9 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là thủy lợi, tạo ra một mạng lưới kênh, mương chằng chịt trong tỉnh, phục vụ tưới tiêu... Ngay trong năm 1990, sản lượng lương thực của tỉnh vượt qua ngưỡng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 120.600 tấn, tăng 16 lần so năm 1985.
Giai đoạn 1991-1995, nền kinh tế của An Giang phát triển với nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh hội nhập vào kinh tế thế giới và khu vực. Kinh tế tăng tốc, số hộ nghèo giảm dần, điện, đường, trường, trạm đã đến được đều khắp các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tăng 9,9%, cao hơn cả nước (8,2%), trong đó khu vực I tăng trưởng bình quân 8,4%/năm, gấp đôi cả nước (4,5%). Năm 1994, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 2 triệu tấn. Năm 1995, kim ngạch xuất khẩu đạt 132 triệu USD, tăng gấp đôi năm 1990, trong đó gạo xuất được 367.579 tấn (tăng gấp 3 lần), thu ngân sách 672 tỷ đồng (gấp 4 lần). Tính chung giai đoạn 1991-1995, xuất khẩu của tỉnh đạt 500 triệu USD, tăng gấp 4 lần thời kỳ 1986-1990.
Giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của An Giang đạt 6,88%. Thời kỳ này, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn tập trung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp, phục vụ sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ/năm ở những vùng có điều kiện, kết hợp hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường liên xã. Các công trình thoát lũ ra biển Tây và xây dựng cụm, tuyến dân cư bước đầu phát huy hiệu quả tốt, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra. Năm 1997, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất 168 triệu USD, trong đó lượng gạo xuất khẩu đạt 618.303 tấn. Đến cuối năm 2000, toàn tỉnh có 10.736 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút gần 60.000 lao động...
Đổi mới để phát triển
Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP của An Giang đạt bình quân 8,94%; GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 8,53 triệu đồng, gấp gần 8 lần năm 1991. Bước sang giai đoạn 2006-2010, cùng với cả nước, nền kinh tế An Giang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế thế giới kéo dài. Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung được nguồn vốn đầu tư hơn 8.226 tỷ đồng cho hạ tầng, tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư, khai thác tốt lợi thế du lịch, xây dựng kinh tế biên giới… Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này đạt 10,18%; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt hơn 21,9 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD...
Giai đoạn 2011-2015, trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh (lúa, cá tra), An Giang đã tập trung nguồn lực đầu tư hơn 13.490 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 5,07%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 147.276 tỷ đồng (gấp 1,69 lần so giai đoạn 2006-2010); kim ngạch xuất khẩu đạt 4,65 tỷ USD, tăng 1,65 tỷ USD so giai đoạn trước.
Từ vùng chiến tranh ác liệt trong thời kỳ kháng chống Mỹ, huyện miền núi Tri Tôn vươn mình phát triển
Giai đoạn 2016-2020, do điều kiện khách quan và chủ quan, tốc độ tăng trưởng GRDP của An Giang đạt 5,25%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra (tăng trưởng 7%/năm) nhưng được xem là phù hợp với nguồn lực của địa phương. Quy mô GRDP năm 2020 của An Giang đạt 89.362 tỷ đồng (năm 2015 đạt 60.467 tỷ đồng). Dù tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng nhưng đời sống người dân không ngừng cải thiện (GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tăng gần 16 triệu đồng so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,45% (đầu năm 2016) xuống còn 1,93% (năm 2020); quốc phòng - an ninh được giữ vững, tổ chức bộ máy hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả…
Điểm nổi bật trong giai đoạn 2016-2020 là công tác xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả rất cao. Kết quả này có được nhờ công tác cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư có sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao uy tín và hình ảnh thân thiện, năng động của An Giang trong mắt nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, giai đoạn 2016-2020, có thêm 3.309 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 20.500 tỷ đồng (tăng 34,43% so giai đoạn 2011-2015). Giai đoạn 2016-2020, An Giang đã thu hút 353 dự án đăng ký đầu tư mới (tăng 141 dự án so giai đoạn 2011-2015), bao gồm 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 344 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 79.572 tỷ đồng (tăng 51.595 tỷ đồng). Riêng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, có 26 dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký 27.658 tỷ đồng. Nhiều dự án được triển khai, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh.
Dự kiến, An Giang sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021, một dấu ấn quan trọng ngay từ đầu giai đoạn 2021-2025 để tạo thế và lực mới cho sự phát triển của vùng đất Tây Nam của Tổ quốc.
Với chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2021-2025) từ 6,5-7%, An Giang không chủ trương “chạy đua” tăng trưởng “nóng” mà đảm bảo phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người từ 70,5-72,2 triệu đồng/người/năm, đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước. Đến năm 2030, phấn đấu đưa kinh tế An Giang đạt trên mức trung bình cả nước. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN