Sạt lở tác động lớn đến đời sống người dân
Nhiều thiệt hại
Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang (Ban Chỉ đạo tỉnh), 9 tháng của năm 2021, mưa, giông, lốc đã gây thiệt hại hơn 3,11 tỷ đồng. Trong đó, có 6 người bị sét đánh (4 người chết, 2 người bị thương); 56 vụ mưa, giông, lốc làm thiệt hại 261 căn nhà (11 căn sập hoàn toàn; 250 căn tốc mái, xiêu vẹo). Mưa, giông còn làm sập, tốc mái các nhà kho, nhà lưới, đổ ngã trụ điện; thiệt hại 635,86ha lúa, hoa màu và cây ăn trái.
9 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 36 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 1.872m, ảnh hưởng 38 căn nhà của người dân, ước thiệt hại về đất gần 2 tỷ đồng. Trong đó, huyện An Phú có 7 điểm, Chợ Mới 11 điểm, Tri Tôn 4 điểm, Châu Phú 8 điểm, TP. Long Xuyên 4 điểm, TX. Tân Châu 2 điểm.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành 8 quyết định ban bố tình huống khẩn cấp, gồm: Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú); Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn (đoạn từ mương Sáu Bá đến nhà máy Việt Hưng và đoạn từ Mương Thơm đến nhà ông Ba Kiệt - kè hiện có), phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên); Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, khu vực Trạm Kiểm soát Biên phòng Đồng Đức (thuộc Đồn Biên phòng Phú Hữu), xã Phú Hữu (huyện An Phú); Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ rạch Ông Chưởng, đoạn Km21+934-km21+974, Tỉnh lộ 946, huyện Chợ Mới; Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc tại (ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú); Quyết định tình huống khẩn cấp khắc phục sạt lở tại Km50, Tỉnh lộ 943, huyện Tri Tôn; Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ rạch Cái Sắn (đoạn từ nhà máy Việt Hưng đến rạch Mương Thơm), phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên); Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 223/QĐ-UBND, ngày 2-2-2021 của UBND tỉnh về tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn, phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên).
Ban Chỉ đạo tỉnh và các địa phương đã tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai theo chế độ 24/24 giờ trong mùa mưa, lũ để nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến của thiên tai, đề xuất chủ trương, biện pháp ứng phó, cập nhật tình hình thiệt hại do thiên tai và tổng hợp kịp thời, gửi báo cáo về cấp trên.
Tăng cường trách nhiệm
Nhằm ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã trình UBND tỉnh phê duyệt Quyết định ban hành quy định về trình tự, thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn nước trong trường hợp bất lợi (hạn, kiệt) cho các đối tượng dùng nước trên địa bàn tỉnh An Giang (lần 2). Đồng thời, xin chủ trương hỗ trợ kinh phí nạo vét tuyến kênh Bảy Xã trên địa bàn TX. Tân Châu - huyện An Phú; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 463/QĐ-UBND, ngày 8-3-2021 của UBND tỉnh).
Sở NN&PTNT An Giang đã báo cáo tổng hợp, đề xuất ý kiến dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh trục và hệ thống đê, bờ bao vùng Tứ giác Long Xuyên (tỉnh An Giang, Kiên Giang); góp ý dự thảo quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ NN&PTNT; triển khai thực hiện Chỉ thị 1819/CT-BNN-PCTT, ngày 30-3-2021 của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021. Sở NN&PTNT đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê bao trên địa bàn tỉnh. Qua đó, báo cáo UBND tỉnh triển khai công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ năm 2021; thực hiện phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ, bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Cùng với bảo vệ đê điều, Sở NN&PTNT An Giang đã phối hợp khảo sát sạt lở đê bảo vệ sản xuất, dân cư tuyến bờ Bắc kênh Mới (huyện An Phú); khảo sát cống hở kênh Mười Dầu và các điểm sạt lở cần gia cố trên địa bàn huyện Chợ Mới. Từ đó, xin chủ trương bổ sung hạng mục cống hở kênh Mười Dầu thuộc dự án gia cố đê chống sạt lở bờ Bắc kênh Hội An - Hòa An (huyện Chợ Mới). Sở NN&PTNT còn thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở theo phân cấp quản lý trên địa bàn các huyện Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân, Chợ Mới và TP. Long Xuyên. Đồng thời, phối hợp địa phương khảo sát sạt lở tại các tuyến đê bao trên địa bàn các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú và Phú Tân. Qua khảo sát, Sở NN&PTNT đã xin chủ trương hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở các tuyến đê bảo vệ sản xuất trên địa bàn huyện An Phú, Chợ Mới và TP. Châu Đốc; hỗ trợ kinh phí khắc phục gia cố sạt lở đê bao bảo vệ sản xuất trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân…
9 tháng của năm 2021, toàn tỉnh đã đưa 252 tin hoạt động, phát 271 bài cảnh báo, hướng dẫn nhân dân phòng, chống các loại thiên tai và các loại hình thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
NGÔ CHUẨN