An Giang tháo điểm nghẽn cải cách hành chính

14/08/2024 - 04:44

 - Mặc dù cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh An Giang ngày càng được nâng cao chất lượng dịch vụ, cải cách theo hướng tinh gọn hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Do đó, cần tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, doanh nghiệp.

Nhiều điểm nghẽn

Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cải cách hành chính (CCHC) tỉnh An Giang Trương Long Hồ nhận định: “Mặc dù các ngành, địa phương đã nỗ lực CCHC, nhưng kết quả chỉ số năm 2023 của tỉnh hầu hết rất thấp và giảm hạng so các năm trước. Qua phân tích, Ban Chỉ đạo Chương trình CCHC tỉnh chỉ ra 3 điểm nghẽn chính.

Đó là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tốt, có sai phạm đến mức bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Thiếu giải pháp, sáng kiến, mô hình CCHC hiệu quả để vận dụng, áp dụng quy mô toàn tỉnh. Việc triển khai quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC mặc dù đã được tích cực triển khai, nhưng còn nhiều hạn chế (thiếu trang thiết bị số hóa; quy trình số hóa chưa đảm bảo…)”.

Trong từng lĩnh vực cũng còn nhiều điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ. Cụ thể, khó khăn trong triển khai đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia của Chính phủ, do chưa có hướng dẫn. Cổng dịch vụ công quốc gia chưa đảm bảo chức năng đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định 766/QĐ-TTg chưa phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Việc kết nối hồ sơ giải quyết TTHC lĩnh vực đăng ký DN liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh còn chậm.

Việc người dân thực hiện dịch vụ công gia hạn thẻ bảo hiểm y tế có giảm trừ còn gặp nhiều khó khăn cho khu vực nông thôn, do kết nối mạng chưa thông suốt, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hồ sơ không đạt yêu cầu, cán bộ xử lý trả lại công dân, nhưng trên Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn tính. Hồ sơ tiếp nhận còn đang trong thời gian xử lý, chưa có kết quả giải quyết TTHC, nhưng trên Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn tính là “hồ sơ trực tuyến không đạt chuẩn” nên ảnh hưởng đến tỷ lệ hồ sơ trực tuyến... Đối với Sở Xây dựng, việc triển khai cung cấp dịch vụ công chưa thật sự hiệu quả, do tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đến dịch vụ công trực tuyến...

Cải cách hành chính tạo hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Mong đợi của người dân

“Chúng tôi mong tiếp tục đơn giản hóa TTHC, đơn giản thật sự, chứ đừng “càng đơn giản càng rườm rà”, nhiều thủ tục hơn trước” - bà Nguyễn Thị Kim Loan (TP. Long Xuyên) bày tỏ. Qua khảo sát cho thấy, người dân mong muốn nhiều nhất là “tiếp tục đơn giản hóa TTHC”. Có 61,25% người dân được hỏi “mong đợi cơ quan, đơn vị cần cải thiện hơn nữa”, nhiều nhất là “nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp thông tin cho người dân”.

Gần 40% người dân cho rằng cần “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết công việc cho người dân”, “nâng cao hơn nữa chất lượng trụ sở, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân”. Có 30,25% người dân đề nghị cần “nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân”.

“Việc cắt giảm TTHC không thực hiện một cách máy móc, mà phải đảm bảo cho công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát tình hình và thực sự tạo thuận tiện hơn cho người dân, DN” - nhiều DN đề xuất. Có thể thấy, người dân mong đợi cần tiếp tục nâng cao, cải thiện hơn nữa chất lượng, dịch vụ hành chính công. TTHC được cải cách và ngày càng đơn giản, hiệu quả hơn sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi và thúc đẩy phát triển về mọi mặt.

Tháo gỡ...

Để tháo gỡ khó khăn, Ban Chỉ đạo Chương trình CCHC tỉnh kiến nghị Trung ương xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong quá trình triển khai.

Cổng dịch vụ công quốc gia bổ sung chức năng thống kê, tổng hợp báo cáo và truy xuất dữ liệu đối với Bộ Chỉ số phục vụ người dân, DN, phục vụ quá trình theo dõi, quản lý và tham mưu chỉ đạo. Điều chỉnh cách tính tỷ lệ đối với tiêu chí số hóa hồ sơ, công khai, minh bạch của Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương...

Ban Chỉ đạo Chương trình CCHC tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác CCHC. Tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, đề án, dự án của chương trình, kế hoạch CCHC tỉnh phù hợp với chủ trương, chỉ đạo, quy định mới của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và thực tế của tỉnh.

Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, hạn chế tối đa tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn; nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình, một phần. Ngoài ra, nâng cao tỷ lệ số hóa hồ sơ đầu vào và kết quả giải quyết theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao; tái sử dụng kết quả số hóa và khai thác tài liệu điện tử trên Cổng dịch vụ công.  

“Từng ngành, từng địa phương khẩn trương khắc phục những hạn chế, tồn tại; phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hành động hơn nữa để Chỉ số CCHC tỉnh được cải thiện và nâng cao. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC. Áp dụng các giải pháp CCHC hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị.

HẠNH CHÂU