An Giang thích ứng linh hoạt trạng thái bình thường mới

16/12/2021 - 07:43

 - Ngành y tế An Giang dự báo dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội… đòi hỏi mỗi cá nhân, cộng đồng, phải có tư duy và cách làm mới để thích ứng an toàn.

Với số ca mắc COVID-19 bình quân 200-300 ca/ngày, để chủ động đáp ứng khả năng về phòng trị bệnh, thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập 48 cơ sở thu dung điều trị F0, với tổng số 7.174 giường bệnh (tầng 1 và tầng 2 là 6.974 giường, tầng 3 là 200 giường bệnh). Với số giường bệnh hiện có đáp ứng được nhu cầu thu dung điều trị F0 tại An Giang.

Cách ly điều trị tại nhà trường hợp F0 không triệu chứng, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế

Để giảm tải cho hệ thống y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh cho phép triển khai cách ly điều trị tại nhà trường hợp F0 không triệu chứng. Giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu, hiện đã mở rộng tại tất cả huyện, thị xã, thành phố.

Cùng với triển khai chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trong điều trị COVID-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trong cộng đồng tại An Giang, đã cho thấy hiệu quả, tạo hiệu ứng tâm lý rất tốt cho cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân. Đặc biệt, việc thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi quản lý và điều trị F0 tại nhà, thiết lập Tổng đài tư vấn sức khỏe và trả lời thông tin liên quan đến dịch bệnh cho người dân, mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, trong trường hợp số ca mắc mới tiếp tục tăng, Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục huy động các cơ sở y tế tham gia, như: Bệnh viện Hạnh Phúc, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Mắt Long Xuyên, Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt và mở rộng thêm cơ sở điều trị F0. Về lâu dài, giải pháp để sớm đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, theo ông Trần Quang Hiền: “Ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, là mục tiêu có ý nghĩa quyết định để khống chế đại dịch, song song với phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh

Về chuyên môn, thực hiện tốt mô hình “Tháp 3 tầng” điều trị COVID-19, để phân phối nguồn lực hợp lý, phân tầng điều trị thích hợp và chủ động, góp phần giảm số ca tử vong. Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị tại cơ sở; hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai, theo dõi chăm sóc y tế đối với các trường hợp cách ly điều trị F1, F0 không triệu chứng tại nhà.

Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, theo dõi điều trị của Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID-19 cộng đồng để có chỉ định sớm thuốc: Kháng virus (Remdesivir, Molnupiravir), kháng viêm, kháng đông… để hạn chế bệnh chuyển từ tầng 1 lên tầng 2, tầng 3. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho tầng 3 để hạn chế tử vong. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể khi phát hiện F0”.

Trước biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nguyên tắc: “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân”. Trong đó, tập trung xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức người dân. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng các tình huống. Nâng cao năng lực y tế, nhất là tuyến cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm “4 tại chỗ”.

Với gần 100km đường biên giới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài. Trong nội địa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, trường học, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp...

Thích ứng linh hoạt, mua sắm an toàn. Ảnh: H.C

Theo ý kiến ngành chuyên môn và người dân, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới không còn quá quan trọng. Đã đến lúc không cần đếm số ca nhiễm; cần nhất là tập trung dựa vào tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá dịch bệnh. Chuyển đổi từ quản lý không COVID (zero COVID) sang quản lý rủi ro, giảm tử vong.

Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 bước sang giai đoạn mới. Với số người trong cộng đồng đã được tiêm vaccine COVID-19 cao, người nhiễm COVID-19 hiện nay thường không còn triệu chứng điển hình, hoặc không triệu chứng. Khoảng 80% các trường hợp F0 thuộc nhóm “không triệu chứng” hoặc “triệu chứng nhẹ” và gần như số lượng người nhiễm ấy sẽ được cách ly, điều trị tại nhà.

Theo Sở Y tế, quan trọng lúc này là người nhiễm COVID-19 cần trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về COVID-19, như: Triệu chứng mắc bệnh, đánh giá nguy cơ chuyển bệnh nặng cho bản thân, phòng ngừa lây nhiễm cho người xung quanh, biết sử dụng các thuốc cơ bản, biết sử dụng một số dụng cụ y tế, như: Đếm mạch, đo nhiệt độ, SpO2, ổn định tinh thần, tập thể dục, sống khoa học… Quan trọng hơn là biết những dấu hiệu bệnh chuyển nặng để sớm liên hệ cơ quan y tế trợ giúp kịp thời. Bởi, hơn 70% ca tử vong do COVID-19 hiện nay nằm ở độ tuổi trên 50, chưa tiêm vaccine, có các bệnh lý nền, như cao huyết áp, tiểu đường…

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU