Phục vụ cho sự phát triển của tỉnh
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Chính phủ ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP, ngày 5/7/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030.
Để thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
An Giang tăng cường mối quan hệ hợp tác với Thụy Điển
Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển KTXH nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.
Nhất là, nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật và các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; chủ động khai thác và tận dụng tối đa lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ phát triển KTXH của tỉnh.
“An Giang đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tham gia xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện về chính sách thương mại của tỉnh phù hợp tình hình phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp (DN) và nhận thức của người dân nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế quốc tế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Một trong những giải pháp trọng tâm là, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các DN địa phương phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng, tạo nền tảng, đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài, tạo điều kiện phát triển DN tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể tại địa phương gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tích cực triển khai hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: H.C
Cùng với đó, hợp tác chặt chẽ cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc phối hợp cộng đồng DN và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư; hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của các DN trong các vụ tranh chấp thương mại.
Thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển DN. Cải thiện từng bước cơ sở hạ tầng logistics nội địa, đặc biệt là kho bãi và vận chuyển từ các vùng sản xuất tới các cửa khẩu quốc tế.
Bên cạnh, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế… Chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử…
Tỉnh tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); nhất là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới, như: CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu), UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực ), tăng cường tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Để hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh triển khai thực hiện 5 giải pháp, gồm: Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực thi hiệu quả các FTA; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững; hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, phân công cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. |
THU THẢO