An Giang thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa

09/02/2022 - 05:01

 - Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mọi cơ chế, chính sách của ngoại giao văn hóa nhằm phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và nhân dân, trong đó có đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Ngoại giao văn hóa đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước

Theo đó, gắn kết Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với việc triển khai các chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, quốc phòng - an ninh, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các văn bản được thông qua phù hợp với định hướng, chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách văn hóa của Đảng và nhà nước. Quảng bá giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, chú trọng lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương.

Vận động mới, bảo vệ và phát huy di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận, để vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại; vận động để Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, thể thao, du lịch… Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp thực tiễn của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong giải pháp thực hiện, trước hết tập trung quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh vùng đất, con người An Giang. Tổ chức các sự kiện: Biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh, hội nghị, hội thảo về văn hóa… trên địa bàn tỉnh, có sự tham gia của bạn bè quốc tế. Lồng ghép hoạt động văn hóa vào sự kiện lớn của tỉnh. Giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội mang tính đặc thù của tỉnh và quảng bá giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch của địa phương trên phương tiện truyền thông của tỉnh; xây dựng chuyên mục, chuyên trang thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh với bạn bè các nước và kiều bào bằng nhiều ngôn ngữ; tăng cường số lượng đi đôi nâng cao chất lượng tin, bài viết, ấn phẩm về văn hóa An Giang với bạn bè quốc tế. Sử dụng “gói combo” quà tặng từ sản phẩm OCOP và sản phẩm quà tặng du lịch của tỉnh trong hoạt động đối ngoại, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đặc sản và nét đặc sắc của văn hóa tỉnh An Giang.

Quan tâm, phát hiện và tạo điều kiện để cá nhân trong tỉnh tham gia cuộc thi khu vực, quốc tế lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục... xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa, ngoại giao văn hóa với những người đi lao động, học tập, công tác trung và dài hạn ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Việt Nam có văn hóa, tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hóa bản địa. Vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy di sản, danh hiệu quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, lồng ghép việc bảo tồn và phát huy di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận vào đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư...

Qua đó, thúc đẩy quảng bá danh thắng, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của tỉnh; biến danh hiệu này trở thành nguồn lực phát triển, dựa trên việc bảo vệ giá trị truyền thống và thiên nhiên. Vận động công nhận mới các loại hình danh hiệu: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, khu dự trữ sinh quyền thế giới, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố vì học tập...

Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền; kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, từng bước triển khai ngoại giao công chúng, tạo “sức mạnh mềm” cho đất nước. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sáng tạo; tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về tốc độ, hàm lượng thông tin, khả năng tiếp cận công chúng; thúc đẩy kết hợp với ngoại giao số, ngoại giao công chúng. Cùng với đó, phản bác kịp thời, hiệu quả luận điệu sai trái, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng sự thật về lãnh tụ, danh nhân, lịch sử, văn hóa, đường lối chính sách, đất nước, con người Việt Nam. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH