Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang có 7/47 đồng chí là nữ (chiếm tỷ lệ 14,9%), đại biểu Quốc hội có 2/9 đồng chí là nữ (tỷ lệ 22,2%), đại biểu HĐND cấp tỉnh có 11/61 đồng chí là nữ (tỷ lệ 18%), HĐND cấp huyện có 94/373 đồng chí là nữ (tỷ lệ 25,2%, trong đó có 2/11 huyện đạt tỷ lệ cơ cấu nữ 30%), HĐND cấp xã có 1.141/4.060 đồng chí là nữ (tỷ lệ 28,1%, trong đó 63/156 xã, phường, thị trấn tỷ lệ cơ cấu nữ 30%). Số lượng cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện có 29/179 đồng chí (tỷ lệ 16,2%); 1 đồng chí nữ là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và 2 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tạo nguồn, tích cực bồi dưỡng cán bộ nữ trong các cơ quan dân cử, nâng cao trình độ nữ là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động cử tri nâng cao nhận thức vấn đề giới trong bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Trong cơ cấu số lượng, thành phần, ủy ban bầu cử có sự quan tâm cán bộ nữ, góp phần đảm bảo tỷ lệ 35% nữ trong danh sách ứng cử. Nhiều phụ nữ trở thành gương tiêu biểu về lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo và thầy thuốc giỏi... Đặc biệt, vai trò phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị ngày càng được khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tặng hoa, chúc mừng các nữ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ nữ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, đúng quy định. Hàng năm đều rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch ở từng cấp, từng ngành đảm bảo cơ cấu, tính kế thừa, liên tục. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Qua đó, từng bước phát huy vai trò nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở An Giang đạt nhiều kết quả. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. An Giang đặt mục tiêu các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%. Trong đó, đại biểu Quốc hội có 2/9 người là nữ, chiếm 22,2%; HĐND cấp tỉnh có nữ chiếm 18,03%; HĐND cấp huyện có nữ chiếm 25,2%; HĐND cấp xã có nữ chiếm 28,1%…
Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh cơ bản gần đạt chỉ tiêu của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nhưng công tác phát triển tạo nguồn cán bộ nữ còn khó khăn. Do chính sách đặc thù cho cán bộ nữ được triển khai chưa thật sự tạo điều kiện tốt nhất cho nữ. Một số sở, ban, ngành, địa phương hầu như chưa có chính sách riêng đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Việc phát hiện và giới thiệu nguồn cán bộ nữ chưa được triển khai hiệu quả và mang tính chiến lược...
Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”
Vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã chủ trì tọa đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới". Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, để tăng cường hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị trong thực hiện hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
Có giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và nữ; động viên cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Đồng thời phát triển, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; bảo đảm đạt mục tiêu tỷ lệ nữ, trong cấp ủy, cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử...
Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các cấp, ngành, khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và nỗ lực vươn lên của lực lượng phụ nữ, công tác cán bộ nữ sẽ đạt thêm nhiều kết quả tốt đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác cán bộ của Đảng.
“Dù công tác ở những cơ quan, đơn vị khác nhau, nhưng các cán bộ nữ chủ chốt đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Không chỉ “giỏi việc nước”, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ còn là những người “đảm việc nhà”, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ghi nhận. |
HẠNH CHÂU