Ẩn họa từ xe đạp phong trào

22/11/2023 - 14:16

 - Xe đạp là môn thể thao được yêu thích, đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Môn thể thao này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, dù ở độ tuổi, giới tính hay ngành nghề nào cũng có thể tham gia tập luyện. Tuy nhiên, xe đạp phong trào đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông.

Thời gian gần đây, phong trào luyện tập xe đạp phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, thu hút nhiều người tham gia bởi không kén chọn đối tượng, lứa tuổi hay giới tính. Tại các con đường ngoại ô, vào những lúc sáng sớm hoặc chiều mát, dễ bắt gặp hình ảnh đoàn xe đạp của các câu lạc bộ phong trào đang luyện tập.

Anh Võ Văn Chúc (huyện Tri Tôn) đam mê môn xe đạp từ năm 13 tuổi, sau khi chứng kiến các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp. Đến năm 1999, anh Chúc mới có điều kiện tiếp cận với môn thể thao này. Nhờ chăm chỉ luyện tập, thi đấu, anh gặt hái những thành công nhất định từ các giải phong trào do địa phương tổ chức. “Khó khăn nhất khi tham gia môn xe đạp là kinh tế và thời gian luyện tập. Mình trung hòa 2 yếu tố trên bằng cách cố gắng dậy thật sớm để luyện tập. Sau đó, dành thời gian phụ giúp gia đình. Ngoài bản thân thì ba của mình, hiện 72 tuổi vẫn đang tham gia môn thể thao này” - anh Chúc thông tin.

Xe đạp là môn thể thao lành mạnh, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Ngoài dễ tiếp cận, môn xe đạp còn thu hút nhiều người nhờ những công dụng mà nó mang lại. Với xe đạp, người chơi có thể luyện tập bất cứ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Việc luyện tập bằng xe đạp khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật hay huấn luyện viên hướng dẫn. Ngoài ra, đạp xe thường xuyên còn giúp tăng cường cơ chân, các khớp hông và khớp gối, tăng cường cơ tay, cải thiện chức năng cơ của cơ thể…

Không thể phủ nhận những lợi ích của việc tập luyện xe đạp đối với sức khỏe. Tuy nhiên, môn thể thao này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người tham gia. Do nhu cầu đạp xe để thư giãn, tận hưởng bầu không khí trong lành, nên các tuyến quốc lộ ngoài khu vực thành phố là địa điểm nhiều người lựa chọn để tập luyện. Những cung đường này là đường 2 chiều, thường xuyên có xe tải trọng lớn lưu thông với tốc độ cao. Nhất là vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, tầm nhìn bị hạn chế, khó quan sát, xe đạp trở thành nỗi lo ngại đối với nhiều tài xế.

Không như những tay đua chuyên nghiệp luôn có huấn luyện viên chạy xe mở đường khi tập luyện, những người chơi phong trào tự lựa chọn tuyến đường. Trong khi đó, dù là vận động viên nghiệp dư, nhưng tốc độ di chuyển của các đoàn xe khá cao, lại không có phương tiện dẫn đường hoặc không có còi cảnh báo nên rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Cũng có trường hợp, các “vận động viên” vượt nhau, chạy thành hàng 2, hàng 3 gây cản trở giao thông đối với các phương tiện cùng chiều. Có nhiều trường hợp các “cua-rơ” vượt nhau, không làm chủ tay lái đã va quẹt nhau, gây tai nạn giao thông.

Nhiều người dân khi chứng kiến các đoàn xe đạp phong trào đều cảm thấy lo lắng. Anh Lê Văn Phụng (huyện Châu Phú) cho biết, tuyến Quốc lộ 91 thường xuyên có các đội xe đạp phong trào luyện tập. Đôi khi, các đoàn xe chạy khá nhanh, dễ bị tai nạn nếu không làm chủ tay lái. “Xe đạp cứ tràn ra giữa đường. Lái xe bấm còi từ xa họ không thèm tránh, đến gần bấm còi thì họ giật mình. Lỡ không kiểm soát tay lái, đang tập trung điều khiển xe mà họ tạt đầu thì rất nguy hiểm. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn giao thông có liên quan đến các vận động viên phong trào” - anh Phụng chia sẻ.

Thực tế, nhiều người đạp xe nghiêm túc, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông cũng rất bức xúc trước những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người đạp xe khác. Ông Lê Văn Đó (huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Đi mà cứ dàn hàng 2 - 3 đã không đảm bảo an toàn giao thông, còn vừa đi vừa nói chuyện, gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu người khác muốn vượt thì phải lấn sang làn đường bên kia. Chẳng may gặp xe ngược chiều thì xử lý sao kịp? Đạp xe để rèn luyện sức khỏe, mong rằng mọi người nêu cao ý thức để không bị mang tiếng là những người đạp xe kém văn minh”.  

Nhu cầu tập luyện thể dục - thể thao của mọi người là hoàn toàn chính đáng và cần được khích lệ. Tuy nhiên, bất cứ hoạt động nào khi tham gia giao thông cần phải cân nhắc, đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh. Mỗi người tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, rèn luyện thể thao văn minh hơn để hướng tới mục tiêu cao nhất là niềm vui, sức khỏe và an toàn là trên hết.

MINH ĐỨC