An Phú chuyển đổi sản xuất hiệu quả

28/10/2019 - 07:27

 - Với tinh thần lao động cần cù, biết ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông hộ. Đặc biệt, với 20 câu lạc bộ nông dân duy trì sinh hoạt hàng tháng đã tập hợp và giúp nông dân có điều kiện tiếp thu kiến thức KHCN mới vào sản xuất - kinh doanh (SXKD), triển khai những mô hình làm ăn mới, thực hiện chuyển dịch cơ cấu đạt hiệu quả.

An Phú chuyển đổi sản xuất hiệu quả

Nuôi tôm càng xanh mùa lũ cho năng suất cao ở huyện An Phú

Ông Cao Văn Tấn (ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông) là một trong những nông dân điển hình thực hiện ứng dụng tiến bộ KHCN trên lĩnh vực trồng trọt ở huyện An Phú. Với 4ha đất sản xuất, ông Tấn áp dụng mô hình trồng lúa chất lượng, chương trình IPM hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, mang lại doanh thu khoảng 570 triệu đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí còn thu được lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng… Ông La Thanh Tuấn (ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc) có diện tích 8ha trồng lúa áp dụng mô hình “không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” mang lại thu nhập hàng năm khoảng 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận 321 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Tuấn còn tự nguyện và vận động nông dân hiến đất làm đường ra cánh đồng với chiều dài 3.800m…

Những năm qua, phong trào nông dân SXKD giỏi đạt được những thành tựu đáng kể, tạo ra sản phẩm hàng hóa dồi dào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Toàn huyện An Phú có 45.354 hộ gia đình, tổng dân số 179.803 người (trong độ tuổi lao động 111.844 người), tổng số lao động nông nghiệp 25.226 lao động. Năm 2019, có 5.834 nông dân được công nhận nông dân SXKD giỏi 3 cấp (trong đó 692 nông dân giỏi cấp tỉnh, 1.827 nông dân giỏi cấp huyện, 3.315  nông dân giỏi cấp xã).

Đến nay, tổng diện tích nhà lưới, nhà màng ở huyện An Phú có 8.214m2 (6 nhà lưới, 3 nhà màng) trồng dưa lưới, dưa leo, rau ăn lá, khổ qua, ớt, hành lá... Trong đó, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại 3 xã: Khánh An, Vĩnh Lộc, Phú Hữu. Ông Bùi Văn Sang (ngụ ấp Phước Mỹ, xã Phước Hưng) trồng dưa lưới trong 1.000m2 nhà màng theo chương trình hỗ trợ xã nông thôn mới. Nhờ quy trình sản xuất đảm bảo ổn định đầu ra (trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty), với thời gian sinh trưởng 75 ngày, mỗi vụ thu hoạch trừ chi phí còn lãi trên 80 triệu đồng… Ông Đỗ Hoàng Mai (ngụ ấp Hà Bao I, xã Đa Phước) xây dựng nhà lưới giá rẻ với diện tích 500m2 trồng rau các loại và sản xuất 2,5ha lúa áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Mô hình này cho thu nhập ổn định mỗi năm trên 357 triệu đồng.

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở huyện An Phú được bà con nông dân tích cực thực hiện, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi diện mạo nông thôn. Không chỉ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau màu, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có rất nhiều mô hình hiệu quả. Mô hình nuôi lươn không bùn theo hướng an toàn thực phẩm của ông Trần Văn Hon (ngụ ấp Vĩnh Ngữ, xã Vĩnh Hậu) diện tích 600m2 là một trong những điển hình. Với vai trò tổ trưởng tổ hợp tác nuôi lươn sạch của xã, ông Hon đã tích cực tìm hiểu cách thức nuôi để cung cấp sản phẩm sạch có chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mỗi năm thu hoạch cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Điển hình là ông Trương Danh Lam (ấp Vĩnh Lịnh, xã Vĩnh Hậu), ngoài diện tích 3,5ha lúa canh tác theo chương trình “1 phải, 5 giảm” kết hợp 2ha mô hình lúa-tôm càng xanh, mang lại lợi nhuận trên 240 triệu đồng/năm. “Do thời gian nuôi hầu hết vào mùa lũ (khoảng tháng 5 đến tháng 11) nên nguồn thức ăn tự nhiên rất phong phú, thuận lợi cho tôm phát triển nhanh. Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình tôm-lúa luân canh cho thấy lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ trồng lúa không kết hợp nuôi tôm”-ông Lam cho biết.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú Ngô Văn Thi cho biết, nông dân An Phú còn thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện mô hình sản xuất đa canh, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên lĩnh vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ nông sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa… Phong trào đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội nông thôn. Đặc biệt, phong trào đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Đây là nền tảng vững chắc để cơ cấu lại nền nông nghiệp phát triển có chất lượng, hiệu quả và bền vững với mục tiêu cuối cùng là cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích