“Voọc trên cành cây” của tác giả Arshdeep Singh (Ấn Độ). Khi bố của Singh chuẩn bị sang Việt Nam để tham gia hội nghị được tổ chức gần Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, anh đã đọc thông tin về loài voọc chà vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng và xin bố cho đi cùng. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là “thành trì” của loài voọc. Chỉ được tìm thấy tại Việt Nam, Lào và Campuchia, loài này đang bị đe dọa mất môi trường sống, bị săn bắt và buôn bán.
Chủ nhân của các hạng mục giải thưởng nhiếp ảnh thế giới hoang dã năm nay sẽ được công bố tại buổi lễ trao giải trực tuyến ngày 13-10 tới. Sau đó ba ngày, triển lãm ảnh sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London.
Bức ảnh “Amazon bùng cháy” của tác giả Charlie Hamilton James (Anh) ghi lại đám cháy dữ dội tại bang Maranhao, phía đông bắc Brazil, đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Cây cao vút đang héo dần ở chính giữa bức ảnh như lời kêu cứu khẩn thiết từ "lá phổi xanh của Trái đất". Charlie là người đã liên tục theo dõi thực trạng phá rừng tại Amazon trong thập kỷ qua.
“Ánh mắt của chồn túi Opossum” của tác giả Gary Meredith (Australia). Trong vòng một tuần, Gary đã quan sát hai mẹ con chồn túi đang trú ẩn dưới mái nhà tắm tại khu cắm trại dành cho du khách ở Yallingup, phía tây Australia. Chúng thường xuất hiện lúc xế chiều, chăm chú theo dõi những người đến cắm trại cho đến khi trời tối, sau đó chui qua khe để tìm thức ăn.
“Ánh mắt khô cằn” của tác giả Jose Fragozo (Bồ Đào Nha). Fragozo đã theo dõi những cá thể hà mã trong khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara của Kenya trong vài năm qua. Ông đã vượt qua thử thách chụp mắt của hà mã đang nằm trên tàn dư bùn lầy của sông Mara sau đợt hạn hán nghiêm trọng.
“Bữa tối của nhện” của Jaime Culebras (Tây Ban Nha). Jaime đã dành nhiều giờ đi bộ trong bóng tối và dưới cơn mưa nặng hạt để tìm đến dòng suối trong khu bảo tồn Manduriacu, tây bắc Ecuador. Anh hy vọng sẽ bắt gặp ếch thủy tinh đang giao phối. Tuy nhiên, phần thưởng cho nỗ lực của anh lại là cơ hội chụp ảnh một chú nhện với sải chân dài 8 cm đang ngấu nghiến ăn trứng ếch.
“Tưởng nhớ hải âu” của Thomas P Peschak (Đức).
“Rừng sinh ra từ ánh sáng” của Andrea Pozzi (Italy). Vùng Araucania của Chile được đặt tên theo cây bách tán (Araucaria) đặc trưng của vùng này. Sau nhiều giờ đi bộ, Andrea đã đến một chỏm núi để quan sát cả khu rừng. Anh chờ đến lúc ngay sau khi mặt trời lặn, ánh sáng thích hợp để làm nổi bật màu sắc. Những thân bách tán đứng sừng sững như những chiếc đinh cắm rải rác khắp khu rừng.
"Ca đêm" của Laurent Ballesta (Pháp). Khi màn đêm bao phủ đảo san hô vòng Fakarava ở vùng Polynesia, các loại động vật thân mềm bắt đầu di chuyển.
“Đoàn kết” của Dhritiman Mukherjee (Ấn Độ). Một cá thể cá sấu Ấn Độ giống đực đang hỗ trợ hàng trăm con của nó. Bức ảnh được chụp vào mùa sinh sản tại khu bảo tồn quốc gia Chambal ở Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.
“Chim gió” của Alessandra Meniconzi (Thụy Sĩ). Đứng trên tận khối núi Alpstein của dãy Alps, Alessandra thật khó đứng vững vì gió mạnh. Nhưng cô vẫn kịp bấm máy để ghi lại một cảnh tượng ngoạn mục: đàn chim nhào lộn ấn tượng giữa nền trời ảm đạm và trên những ngọn núi tuyết phủ trắng.
“Cuộc đánh bắt hoàn hảo” của Hannah Vijayan (Canada). Chú gấu nâu vừa bắt được một con cá hồi đỏ từ khúc cạn của một dòng sông trong vườn quốc gia Katmai rộng lớn ở Alaska. Ước tính, đây là ngôi nhà của 2.200 cá thể gấu nâu.
“Bất ngờ!” của tác giả Makoto Ando (Nhật Bản). Trong khu rừng gần ngôi làng của Makoto Ando trên đảo Hokkaido, ông đã núp sau một cái cây trong khoảng ba giờ để quan sát đôi cú Ural. Và bất ngờ, ông đã “bắt” được cảnh chú sóc đỏ rơi từ ngọn cây xuống và lập tức bỏ chạy sau khi phát hiện sự xuất hiện của đôi cú.
Theo H.H (Nhân Dân)