Áo dài xưa và nay

22/01/2023 - 09:39

 - Áo dài là niềm tự hào, trang phục ở các nghi lễ quan trọng của người Việt. Bên cạnh giá trị văn hóa truyền thống, ở góc độ thời trang, áo dài còn tạo ra lợi nhuận, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Hành trình “biến đổi”

Áo dài Việt Nam có cội nguồn từ vài trăm năm trước. Tiến trình hình thành chiếc áo dài hiện đại từ rộng rãi đến ôm sát, nhấn eo như ngày hôm nay là ảnh hưởng từ văn minh phương Tây trong sáng tạo của người Việt. Chúng tôi may mắn được biết những thợ may gắn bó với nghề may áo dài gần như trọn vẹn thanh xuân cho đến giờ đã ở tuổi trung niên. Không tên tuổi nổi tiếng, tài nghệ của các cô, các chị được khẳng định bởi lượng khách hàng ổn định mấy chục năm. Như thợ may Thu Nguyệt ở huyện Châu Thành, thợ may Kim Hằng ở TP. Long Xuyên… Câu chuyện về chiếc áo dài được họ quan tâm, sưu tầm và kể lại theo hành trình từ xưa đến hiện đại.

Khởi đầu là loại áo tứ thân mặc với áo yếm, sử dụng phổ biến ở thế kỷ XVII. Chiếc áo này biến hóa từ áo giao lĩnh có 2 thân trước đắp chéo vào nhau. Trong quá trình lao động, phụ nữ Việt đã mặc yếm, xẻ tà áo giao lĩnh buộc gọn ở đằng trước. Thời vua Gia Long, áo dài tứ thân được “nâng cấp” thành áo dài ngũ thân, thường được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho giai cấp và địa vị của người mặc. Giai cấp quan lại, quý tộc sẽ mặc áo dài ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Tà áo dài thướt tha luôn được phụ nữ ưu ái khoác lên người để tôn vinh vẻ đẹp

Đến năm 1939, áo dài cách tân cải biến từ áo ngũ thân ra đời, do họa sĩ Cát Tường sáng tạo. Áo dài Lemur được đặt theo tên tiếng Pháp của bà, áo chỉ có 2 vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, may ôm sát cơ thể, phần tay thẳng và có viền nhỏ. Khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính. Kiểu áo này thịnh hành cho đến những năm 1943 thì bị lãng quên. Tiếp nối từ bước đổi mới này, ở miền Bắc, áo dài Lê Phổ ra đời, là “biến thể” từ áo dài tứ thân và áo dài Lemur, thiết kế trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn.

Năm 1960, áo dài Raglan còn gọi là áo dài tay Raglan (giắc-lăng) xuất hiện, do nhà may Dung ở Đakao sáng tạo ra. Điểm khác biệt ở áo dài tay Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối từ cổ chéo xuống một góc 450 giúp người mặc thoải mái, dễ chịu và linh hoạt. Sự cải tân trên là bước đệm cho phát triển của áo dài Việt Nam sau này. Trải qua các thời kỳ, giai đoạn 1970 đến nay, áo dài Việt Nam gắn bó gần gũi hơn với đời sống. Áo dài được biến chuyển, cải biến trong kiểu dáng và thiết kế đa dạng, từ áo dài cưới, áo dài Tết, áo dài cách tân, áo dài học sinh, áo dài mặc trong văn phòng, biểu diễn sân khấu hay đến chốn thờ tự…

Qua mỗi giai đoạn, áo dài được các nhà thiết kế và người mặc cải tiến để phù hợp hơn với môi trường lao động, sản xuất, nhu cầu trưng diện. Một trong những tự hào là áo dài Việt Nam từng đoạt huy chương vàng về y phục dân tộc năm 1970, tại Hội chợ quốc tế Osaka (Nhật Bản).

Tôn vinh trang phục truyền thống

Ở các cuộc thi nhan sắc, nhất là cuộc thi tầm quốc tế, bên cạnh gương mặt được chọn để “Đem chuông đi đánh xứ người”, công chúng luôn chú ý, quan tâm đến thiết kế của trang phục áo dài. Ở đó, “hồn” dân tộc, tinh hoa văn hóa của người Việt sẽ được trình diễn trước sự chiêm ngưỡng của bạn bè quốc tế. Từ  “Áo dài” được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam, với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

Trải qua nhiều sự kiện lịch sử, điều chỉnh và cách tân, áo dài vẫn giữ cho mình nét duyên dáng, dịu dàng chuẩn mực truyền thống của người Việt. Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động chương trình Tuần lễ áo dài. Sự kiện đã được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước tích cực tham gia, mặc áo dài tại cơ quan, công sở, nơi làm việc và những sự kiện trong gia đình, xã hội, qua đó góp phần lan tỏa, tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.

Nhiều năm nay, không riêng Tuần lễ áo dài, mà từ dịp Tết Nguyên đán, các ngày kỷ niệm của đất nước cho đến việc quan trọng của gia đình, phụ nữ Việt luôn ưu tiên mặc áo dài truyền thống. Có thể nói, chưa khi nào áo dài trở nên phổ biến như hiện nay. Từ trung niên đến người cao tuổi và trẻ em đều có thể trưng diện. Nhận thấy nét đẹp của truyền thống văn hóa và sự hài hòa trong thiết kế, nhiều nam giới cũng mặc áo dài trong các dịp lễ, Tết, hội hè, sự kiện văn hóa. Đặc biệt, thời trang áo dài phát triển mạnh trên các sân khấu trình diễn với muôn hình, nhiều dạng.

Bạn Thu Nga (sinh viên Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Ở môi trường hiện đại và năng động của giảng đường đại học, em nghĩ sẽ gặp các giảng viên luôn chỉnh tề trong các bộ âu phục. Thật ấn tượng là môn chính trị, ngoại ngữ, ngữ văn… em được học với các giảng viên đặc biệt yêu bộ áo dài truyền thống. Thậm chí, có cô đầu tư trang phục mặc đến 1 tháng vẫn không “đụng hàng”. Những phụ nữ đại diện cho lớp người thành công, sở hữu tri thức, sự tự tin khoác lên mình bộ áo dài thướt tha, vừa kín đáo, vừa tôn lên những đường nét mềm mại… thật sự cuốn hút đặc biệt”.

Thời nay, áo dài được cách tân một cách cầu kỳ, tinh tế, đa dạng... Một số áo dài được thiết kế mang âm hưởng của nét truyền thống, như: Tranh Đông Hồ, khăn mấn, áo yếm, váy lụa gấm... Còn nhớ bộ phim “Cô ba Sài Gòn” (sản xuất năm 2017), lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1960, gợi nhắc tới nét đẹp một thời quá vãng. Mẫu áo dài cổ điển đã trở lại trong đời sống thời trang và nhanh chóng trở thành “hot trend” trong những năm gần đây với cái tên “áo dài Cô Ba Sài Gòn”. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến kiểu áo dài chít eo hay áo dài mi-ni khoe vẻ đẹp “thắt đáy lưng ong” của phụ nữ Việt, đồng thời mang đậm tính “cách tân” ở Sài Gòn xưa.

Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, giữa những làn sóng “mốt” thay đổi đến chóng mặt, bộ áo dài của phụ nữ Việt vẫn thể hiện được bản lĩnh của sắc thái văn hóa dân tộc. Nó được giới tạo mẫu, thiết kế thời trang sáng tạo, cải tiến và bổ sung vào đó những hơi thở của thời đại, khuynh hướng và xu thế thời trang mới mẻ. Đứng trước xu hướng đa dạng hóa và hiện đại hóa, các dân tộc đều có nhu cầu bảo tồn và kế thừa các đặc trưng, giá trị và mô thức mỹ thuật của nữ phục. Áo dài tân thời của phụ nữ Việt đang phát triển phù hợp với cuộc sống của xã hội đô thị và công nghiệp theo hướng hiện đại và đa dạng hóa trên nền tảng giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Rất nhiều thế hệ đã cùng gìn giữ, nối tiếp niềm tự hào về trang phục truyền thống và cũng là cái đẹp rất riêng của người Việt.

MỸ HẠNH