Áo trắng trong cơ sở điều trị F0

09/01/2022 - 13:28

 - Bên trong Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại doanh trại Trung đoàn 892 (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) không lúc nào thiếu vắng bóng dáng áo trắng tất bật trên hành lang, trong phòng bệnh. Họ là bác sĩ, nhân viên y tế, quân nhân, học viên Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng). Chỉ có thể nhận dạng từng người qua vóc dáng, ánh mắt, giọng nói…

Cơ sở thu dung và điều trị Trung đoàn 892 được thành lập theo Quyết định 2591/QĐ-UBND, ngày 6-11-2021 của UBND tỉnh An Giang (do Sở Y tế quản lý và điều hành) trên cơ sở chuyển đổi công năng từ doanh trại của Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang). Tính đến nay, cơ sở thu dung, điều trị gần 2.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Theo quy định, cơ sở có chức năng điều trị tầng 1, tầng 2, nhưng rất nhiều bệnh nhân chuyển sang tầng 3 (nặng và nguy kịch). Chính vì thế, đội ngũ nhân viên y tế luôn trong trạng thái làm việc liên tục, khẩn trương, giành giật mạng sống cho bệnh nhân bằng mọi khả năng. Điều đáng mừng là hiện tại, chỉ còn hơn 100 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở, ít hơn tổng số quy mô giường bệnh (từ 600 – 1.000).

Hiện tại, hơn 60 cán bộ, công chức, viên chức của các cơ sở khám, chữa bệnh huyện Thoại Sơn, TP. Long Xuyên và tỉnh An Giang đang tham gia điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, còn có sự hỗ trợ của 14 học viên Học viện Quân y tăng cường từ tháng 12-2021.

Thiếu tá Phùng Trọng Mãn (lớp trưởng Lớp DH 50A, hệ 4, Học viện Quân y) chia sẻ, hơn 40 ngày trước, cả lớp đang học ở giảng đường, bất ngờ nhận lệnh của giám đốc học viện: “Trước 9 giờ tập trung đi tăng cường ở 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Quân khu 9”. Lúc ấy đã là 8 giờ. Thế nhưng, bản lĩnh quân nhân, người học ngành y được rèn luyện từ các đợt chi viện cho tỉnh Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh trước đó, nên 111 học viên của lớp nhanh chóng lên đường.

 Chưa có lớp nào trải qua những dấu ấn đặc biệt như lớp của anh. Sau 3 đợt chi viện (gần 5 tháng), từng học viên căng mình chống dịch. Nhưng sự trải nghiệm, thực hành quý giá ấy giúp họ cứng cáp, trưởng thành hơn nhiều. “Phát huy tinh thần “Người lính cụ Hồ”, trong thời bình, chúng tôi là đội quân công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống” – thiếu tá Mãn chia sẻ.

Lê Văn Đăng (sinh năm 1998, học viên lớp DH 50A) bước vào năm thứ 6 của chương trình học, nhưng đã “xông pha” ở tâm dịch Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, rồi đến An Giang. Anh được phân công trực cấp cứu, theo dõi tình hình bệnh nhân..., đủ việc không tên.

Tròn 1 tháng gắn bó với cơ sở điều trị, Đăng nhận về nhiều kinh nghiệm quý giá trong ngành y, cùng hàng loạt cung bậc cảm xúc, vui có, buồn có, cả những mất mát đau lòng. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng Đăng. “Tình hình được kiểm soát nên ngày 12-1, chúng tôi trở về học viện, tiếp tục hành trình học tập. Mong rằng, người dân An Giang giữ gìn sức khỏe, thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Hãy luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng” – Đăng gửi gắm.

Một bệnh nhân sắp hoàn thành đợt điều trị, thân thiết gửi lời cám ơn đến các “áo trắng”: “Bác sĩ đã vất vả vì bệnh nhân tụi tui quá rồi! Tui mang ơn bác sĩ nhiều lắm! Tui sẽ ráng khỏe thiệt sớm, bác sĩ cũng ráng giữ gìn sức khỏe để cứu được nhiều bệnh nhân hơn nha!”

GIA KHÁNH