ASEAN+3 đạt nhiều kết quả tích cực trong hợp tác kinh tế

22/08/2023 - 19:58

Các hoạt động hợp tác sẽ hỗ trợ ASEAN+3 trong việc thúc đẩy thương mại và dòng đầu tư, góp phần phục hồi chuỗi cung ứng và giải quyết các thách thức phát sinh từ sự phát triển của khu vực và toàn cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 được tổ chức tại thành phố Incheon của Hàn Quốc ngày 2/5. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55, ngày 22/8, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) đã diễn ra tại thành phố Semarang, Indonesia, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Zulkifli Hasan và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Li Fei, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nakatani Shinichi và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Dukgeun Ahn.

Hội nghị ghi nhận tiến độ thực hiện Chương trình Công tác Hợp tác Kinh tế ASEAN+3 (ECWP) giai đoạn 2023-2024 và những kết quả tích cực của hợp tác kinh tế trong 12 lĩnh vực, như phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), sự tham gia của khu vực tư nhân và đối thoại của các bên liên quan thuận lợi hóa thương mại, kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh.

Các hoạt động hợp tác sẽ hỗ trợ ASEAN+3 trong việc thúc đẩy thương mại và dòng đầu tư, góp phần phục hồi chuỗi cung ứng và giải quyết các thách thức phát sinh từ sự phát triển của khu vực và toàn cầu.

Hội nghị cũng ghi nhận việc hoàn thành Dự án nghiên cứu ASEAN+3 nhằm xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số trong các MSME do Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á và Ban thư ký ASEAN thực hiện.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng để giải quyết khoảng cách kỹ thuật số giữa các MSME, ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn tài chính, việc đảm bảo lực lượng lao động có cả kỹ năng kỹ thuật số và kiến thức kinh doanh cơ bản là cần thiết để sử dụng hiệu quả các công cụ kỹ thuật số.

Hội nghị ghi nhận đề xuất của Trung Quốc về việc tổ chức “Hội nghị hợp tác chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp ASEAN+3," đồng thời giao nhiệm vụ cho Nhóm làm việc Quan chức kinh tế cấp cao tiếp tục thảo luận về bản khái niệm nhằm làm rõ các chi tiết cần thiết.

Hội nghị đánh giá cao sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) trong việc thúc đẩy việc sử dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hỗ trợ chương trình nghị sự giảm phát thải carbon của ASEAN và thúc đẩy các sáng kiến kỹ thuật số trong khu vực, đặc biệt là về thanh toán điện tử.

Hội nghị cũng hoan nghênh kết quả của Khảo sát Triển vọng Kinh doanh EABC-JETRO năm 2023 và tin tưởng vào tiềm năng mở rộng kinh doanh trong khu vực của các doanh nghiệp ASEAN.

Ngoài ra, hội nghị cũng đã cam kết hỗ trợ Timor-Leste trở thành Quốc gia Thành viên ASEAN, ủng hộ việc củng cố Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm đảm bảo tổ chức này tiếp tục hoạt động phù hợp với mục đích và định hướng trong tương lai.

Theo dữ liệu của ASEAN, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vào ASEAN tăng 13,8%, từ 48 tỷ USD năm 2021 lên 54 tỷ USD năm 2022, chiếm 24,3% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN./.

Theo ĐÀO TRANG (TTXVN/Vietnam+)