Asian Para Games 2023: Cơ hội cọ xát để chuẩn bị cho Paralympic 2024

27/10/2023 - 18:14

Nhiều VĐV người khuyết tật coi kỳ Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á lần thứ 4 (Asian Para Games 2023) là bài kiểm tra trình độ chuyên môn, khi chỉ còn 10 tháng nữa Đại hội Thể thao Người khuyết tật thế giới (Paralympic) 2024 sẽ khởi tranh tại Paris (Pháp).

 

Rước quốc kỳ tại lễ khai mạc Asian Para Games lần thứ 4 ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 22/10/2023. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong khi đó, một số VĐV khác lại coi đây là cơ hội để chia sẻ những điểm hấp dẫn của môn thể thao mà họ theo đuổi hoặc để phát triển mức độ cạnh tranh ở quốc gia và trong khu vực.

Hơn 3.000 VĐV từ 44 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á đang tranh tài tại 22 môn thể thao của Asian Para Games 2023.

Các đoàn nhỏ, chẳng hạn như Bahrain, đến với Asian Para Games không chỉ để thi đấu mà còn nhằm nâng cao nhận thức của những người dân trong nước về các môn thể thao dành cho người khuyết tật.

Theo nhà vô địch Paralympic người Ấn Độ Pramod Bhagat, kỳ Asian Para Games này không chỉ là cơ hội để thu thập điểm xếp hạng cho suất tham dự Paralympic 2024 tại Paris mà còn là cơ hội cần thiết để người đồng đội đánh đôi cầu lông của anh được trải nghiệm thi đấu trên đấu trường lớn.

Bhagat từng vô địch cầu lông đơn nam hạng thương tật SL3 ngay trong lần đầu tiên thi đấu tại Paralympic (năm 2020 ở Tokyo, Nhật Bản). Hiện tay vợt này đang nuôi hy vọng tới Paralympic Paris 2024 để thi đấu cùng Manisha Ramadass (18 tuổi) ở nội dung đôi nam nữ hạng thương tật SL3-SU5. Bhagat cho biết “Vì chúng tôi đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng Paris 2024 nên kỳ Asian Para Games này thực sự quan trọng đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi giành được nhiều điểm hơn và có được huy chương thì thứ hạng của chúng tôi sẽ được nâng lên”. 

Trong khi đó, tay vợt Ramadass cho biết Asian Para Games là cơ hội tuyệt vời để thi đấu với những tay vợt giỏi nhất thế giới. Cô chia sẻ: "Tôi rất tự hào khi lần đầu tiên được tham gia Asian Para Games và tôi thực sự học được rất nhiều điều ở đây”. 

VĐV bóng bàn người Nhật Bản Kanami Furukawa đánh giá mức độ cạnh tranh ở châu Á ngày càng tăng và mọi VĐV đều hết sức nỗ lực để có vé tham dự Paralympic Paris 2024. Cô cho biết:  “Tôi chưa bao giờ thi đấu trước nhiều người đến vậy nên tôi rất ngạc nhiên. Tôi rất vui khi mọi người quan tâm đến thể thao dành cho người khuyết tật”. 

Tại Hàng Châu 2023, bộ môn Taekwondo người khuyết tật và Canoeing người khuyết tật lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của Asian Para Games, theo đó các VĐV có thể giới thiệu môn thể thao mà họ theo đuổi với đông đảo người hâm mộ thể thao, đồng thời nâng cao sự công nhận đối với môn thể thao này tại châu Á.

Tại Paralympic, môn Taekwondo dành cho người khuyết tật lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu tại Tokyo 2020. Trong khi đó, môn Canoeing người khuyết tật được triển khai tại Rio 2016 (Brazil).

VĐV Taekwondo người khuyết tật Trung Quốc Shao Qian cho biết: “Taekwondo người khuyết tật chưa được biết đến nhiều nên chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá môn thể thao này. Asian Para Games là cơ hội tuyệt vời để nâng cao nhận thức và để chứng minh với mọi người rằng người khuyết tật cũng có thể tham gia vào những hoạt động khác nữa”. 

Theo TTXVN