Xúc tu là nơi tập trung nhiểu tế bào thần kinh của bạch tuộc. Ảnh: Science Alert.
Nghiên cứu mới về khả năng phản ứng nhanh nhạy với con mồi và kẻ thù cho thấy sự thông minh của bạch tuộc vừa được các nhà khoa học công bố tại Hội nghị khoa học sinh học 2019 tổ chức cuối tháng 6 tại Mỹ. Nghiên cứu được thực hiện trên bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương (Enteroctopus dofleini) và bạch tuộc đỏ Đông Thái Bình Dương (Octopus rubescens). Chúng có khoảng 500 triệu tế bào thần kinh, trong đó có khoảng 350 triệu tế bào thần kinh nằm dọc trên các xúc tu. Điều này giúp bạch tuộc phản ứng nhanh nhạy với môi trường và các yếu tố xung quanh như kẻ thù và con mồi.
"Bộ não bạch tuộc không thể kiểm soát 8 xúc tu và những chuyển động phức tạp của chúng. Các xúc tu chỉ cần gửi thông tin tới bộ não mà không cần bộ não xử lý", nhà khoa học thần kinh Dominic Sivitilli, Đại học Washington cho biết.
Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật theo dõi hành vi và ghi chép thần kinh để hiểu rõ hơn cách các neuron thần kinh ở xúc tu tiếp nhận và xử lý thông tin khi bạch tuộc di chuyển để săn mồi và khám phá. Họ phát hiện rằng những giác hút và giác quan của bạch tuộc tiếp nhận thông tin rất nhanh nhạy, chúng xử lý và ra hiệu cho bạch tuộc thực hiện hành động mà không cần tới sự can thiệp của bộ não.
Những nghiên cứu này đã chứng minh rằng bộ não và xúc tu của bạch tuộc hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Kể cả khi bị cắt đứt, các xúc tu vẫn có thể cử động và di chuyển được.
Theo NGUYỄN XUÂN (Vnexpress)