Bán đảo Triều Tiên năm 2020: Lo ngại lấn át lạc quan

24/12/2019 - 08:38

Theo giới quan sát, năm 2020 có thể chứng kiến mối quan hệ liên Triều căng thẳng trở lại, cùng với những động thái răn đe lẫn nhau giữa Triều Tiên và Mỹ?

Cơ hội cho bất kỳ thỏa thuận hạt nhân hoặc hòa bình nào giữa Mỹ với Triều Tiên đang phai nhạt dần. Hạn chót cuối năm 2019 mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đặt ra sắp đến mà hai bên không có tiến triển nào đáng kể.

Theo nhận định của giới quan sát, tình hình Triều Tiên hiện nay bao gồm toàn những lựa chọn tồi. Ảnh: KCNA.

Bình Nhưỡng đã nhiều lần nhắc nhở rằng cơ hội để phá vỡ bế tắc hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu đi sau cảnh báo của Triều Tiên, năm 2020 thực sự sẽ chứng kiến mối quan hệ liên Triều căng thẳng trở lại đi kèm với những động thái răn đe lẫn nhau giữa Bình Nhưỡng và Washington?

Trong một tuyên bố ngày 14-11, người phát ngôn của Ủy ban các vấn đề Nhà nước Triều Tiên cảnh báo Mỹ nên suy ngẫm về những ảnh hưởng của “con đường mới” mà Triều Tiên buộc phải chọn nếu Washington tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận hiện nay.

Tuyên bố này được cho là ám chỉ việc Bình Nhưỡng sẽ thù địch hơn nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận khi năm 2019 đi qua. Điều này có thể bao gồm các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lục địa Mỹ hay một vụ thử hạt nhân. Những căng thẳng này đương nhiên cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Hàn Quốc và nhấn chìm các nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in xây dựng hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Theo nhận định của giới quan sát, tình hình Triều Tiên hiện nay bao gồm toàn những lựa chọn tồi. Vũ khí hạt nhân được coi là “bùa hộ mệnh” đối với Triều Tiên và là công cụ mặc cả của Bình Nhưỡng với Seoul và Washington. Không có nhiều lý do để Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình khi các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực và bài học nhãn tiền của ông Saddam Hussein ở Iraq và ông Muammar al-Gaddafi ở Libya vẫn còn nguyên giá trị.

Mỹ vẫn kiên quyết đòi Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa để đổi lấy phần thưởng là bình thường hóa quan hệ và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhưng trên thực tế, phi hạt nhân hóa hoàn toàn vẫn là một mục tiêu bất khả thi. Điều này chỉ khiến cho sự phối hợp Mỹ - Hàn Quốc thêm khó khăn và chỉ dẫn đến một kết quả cuối cùng là “thất bại”. Thất bại này có thể mang lại cho ông Kim thêm một lý do để đả kích những gì Mỹ và Hàn Quốc đã và đang làm. Nó cũng cho thấy chiến lược gây “áp lực tối đa” mà Tổng thống Trump áp dụng chẳng mang lại kết quả khả quan hơn những gì mà các chính quyền tiền nhiệm từng làm.

Mỹ bị tên lửa Triều Tiên đe dọa thì Hàn Quốc cũng có mối quan tâm rõ ràng trong việc duy trì sự răn đe và tránh chiến tranh bởi bất kỳ cuộc xung đột nào nếu xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thì Hàn Quốc sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Đây chính là lý do Seoul quyết định tăng cường chi tiêu quốc phòng trong khi cố gắng thúc đẩy một Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim trước Năm mới.

Nhưng vấn đề ở đây là không còn nhiều thời gian trong khi có quá nhiều những nghi kỵ lẫn nhau và Tổng thống Mỹ đang bị phân tâm vì đòn luận tội mà đảng Dân chủ muốn nhằm vào ông. Mỹ đưa ra cho Triều Tiên những gì được mô tả là “một món hời” nhỏ trong khi khăng khăng muốn thu về “kết quả lớn” đó là việc Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức.

Mỹ và đồng minh chưa nhất quán về Triều Tiên

Bên cạnh đó, ngay trong liên minh Mỹ-Hàn cũng chưa hẳn đã thống nhất hoàn toàn quan điểm giải quyết bài toán Triều Tiên. Có thể thấy, các ưu tiên của Tổng thống Moon Jae-in là trái ngược so với những gì chính quyền Trump theo đuổi.

Seoul muốn xây dựng một chế độ hòa bình trước tiên và mong muốn điều đó như một con đường dẫn đến cái đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Nhà Xanh coi việc xây dựng lòng tin và hạ thấp cảm giác bất an của Bình Nhưỡng là điều kiên tiên quyết để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân. Mặc dù vậy, ông Moon sẽ có cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 4/2020 để bận tâm và sẽ phải đưa ra câu trả lời về cách hành xử của Triều Tiên trong năm 2020. Do đó, ít nhất là trong ngắn hạn, một chế độ hòa bình hoàn chỉnh với tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh, giảm hơn nữa các hoạt động quân sự, rút bớt khí tài dọc theo khu phi quân sự khó có thể đạt được.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên thử nghiệm ICBM hoặc vũ khí hạt nhân vào năm 2020? Điều gì sẽ xảy ra nếu Bình Nhưỡng quyết định bắt đầu sớm và làm gián đoạn kỳ nghỉ Giáng Sinh của Mỹ? Hay họ sẽ đợi đến Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020?

Như một vòng lẩn quẩn, Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn có thể phải quay trở lại “gây áp lực tối đa” để ngăn cản Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiến hành các vụ thử vũ khí tiếp theo. Nhưng chính mức độ thống nhất của hai đồng minh về một chiến dịch như vậy sẽ là nguồn gây căng thẳng mà Bình Nhưỡng sẽ cố gắng khai thác. Nói như vậy nhưng không có nghĩa là vấn đề dễ dàng trở thành “thảm họa” bởi chỉ cần mỗi bên kiềm chế một chút, mọi chuyện sẽ được kiểm soát.

Theo đánh giá của giới phân tích, Mỹ và Hàn Quốc cần tiếp tục răn đe trong khi vẫn giữ cánh cửa rộng mở cho các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Điều này không có nhiều khác biệt so với những gì họ đã làm trong quá khứ và Seoul cùng với Washington sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong phối hợp hành động với các đối tác khu vực.

Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt là Mỹ và Hàn Quốc phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận về khoản đóng góp của Seoul trong chi phí duy trì 28.500 quân Mỹ ở Hàn Quốc. Thứ nữa, Hàn Quốc cũng phải tập trung giải quyết các vấn đề của nước này với Nhật Bản sau khi Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) giữa hai bên không được gia hạn.

GSOMIA được đánh giá là hiệp ước chia sẻ thông tin vô cùng quan trọng để đảm bảo các đồng minh của Mỹ có thể liên lạc nhanh chóng và chính xác trong khủng hoảng hoặc trong trường hợp Triều Tiên thử vũ khí. Với tình hình như hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản cần thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến Triều Tiên và hợp tác với Mỹ để đảm bảo sự ổn định và an ninh cho chính họ trong năm mới sắp tới.

Hàn Quốc là đồng minh quan trọng của Mỹ và cũng chính là quốc gia phải đang phải đối mặt với mối đe dọa thực sự luôn thường trực ngay ở khu vực biên giới của mình. Washington và Seoul có thể theo đuổi việc tiếp tục răn đe Bình Nhưỡng vào năm 2020, đây là một lựa chọn nhưng khi căng thẳng gia tăng thì mọi tình huống đều có thể xảy ra.

Theo HÙNG CƯỜNG (VOV)