Bán đảo Triều Tiên: Những bước tiến dài hướng tới hòa bình

29/04/2018 - 20:07

Sau thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4, bán đảo Triều Tiên tiếp tục chứng kiến những diễn biến tích cực.

Không chỉ Hàn Quốc và Triều Tiên, mà ngay chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: ABC

Trong một quyết định có ý nghĩa biểu tượng cao, cho thấy thiện chí hòa giải của Triều Tiên, Nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un mới đây đã nhất trí sẽ điều chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút so với trước đây để hợp nhất với múi giờ của nước láng giềng Hàn Quốc. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, tuyên bố đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27-4 vừa qua ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết, tại cuộc gặp, ông Kim Jong-un đã bày tỏ “rất xúc động” khi nhìn thấy hai đồng hồ treo tường trong phòng họp chỉ múi giờ khác nhau của hai miền. Nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó tuyên bố do là bên thay đổi giờ nên Triều Tiên sẽ chỉnh lại theo múi giờ ban đầu và Hàn Quốc có thể thông báo công khai việc này.

Từ năm 2015, Triều Tiên đã bất ngờ thay đổi giờ chậm hơn Hàn Quốc 30 phút, khiến hai nước dù nằm trên cùng một bán đảo nhưng lại có múi giờ khác nhau. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của nước láng giềng, cho rằng, nó đã đào sâu thêm khoảng cách giữa hai nước vốn vẫn chưa thể đi tới một hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Chính vì thế, động thái này của phía Triều Tiên được xem là “mang tính biểu tượng cao” cho thấy thiện chí của hai nước nhằm cải thiện mối quan hệ.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27-4 vừa qua đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp. Đây là một cuộc gặp lịch sử với nhiều điểm đặc biệt, mà một trong số đó là việc ông Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên bước chân sang Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh, cũng như cam kết của hai nhà lãnh đạo theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa và sớm ký một hiệp định hòa bình hướng tới một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Hiện mọi con mắt đều đang hướng về Hội nghị thượng đỉnh cũng không kém phần quan trọng giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới.

Sau tuyên bố “sẵn sàng phi hạt nhân hóa vô điều kiện”, phủ Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn- Triều vừa qua, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-un cũng thông báo kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này ngay từ tháng 5 tới và sẽ mời các chuyên gia an ninh, nhà báo đến nước này để kiểm chứng.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết sẽ cho đóng cửa bãi thửa hạt nhân ở phía Bắc vào tháng 5 tới và sẽ mời các chuyên gia và nhà báo của Mỹ và Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng để đảm bảo tính minh bạch”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên: “Mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có cuộc gặp trong 3 hoặc 4 tuần tới. Đây là một sự kiện rất quan trọng để thảo luận về phi hạt hóa Triều Tiên, cũng như bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất để đi tới một thỏa thuận về hạt nhân với Triều Tiên. Song cuộc gặp có thể sẽ trở nên ngắn ngủi. Một khi không có tiến triển tốt, tôi sẽ rời đi”.

Đây là minh chứng mới nhất về những gì mà giới chuyên gia ví như “cơn lốc ngoại giao” đang bao trùm bán đảo Triều Tiên trong những tháng vừa qua, cùng với hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên hôm 27-4.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chấp nhận gạt bỏ những bất đồng để quyết tâm cùng nhau tạo dựng “một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân” thông qua “việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Đây có thể xem là một bước tiến dài hướng tới hòa bình bởi trong nhiều năm, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, mà theo nước này là không thể thiếu để bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của Mỹ.

Theo THU HOÀI (VOV)