Bàn về quy định ghi âm, ghi hình tại tòa án

19/12/2023 - 20:14

 - Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (đầu năm 2024). Tuy nhiên, quy định “việc ghi âm, ghi hình tại tòa phải xin phép” cần được cân nhắc thấu đáo.

Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi cho thấy, các quy định về hoạt động tư pháp của nước ta đang theo hướng tiếp cận với pháp luật các nước và thông lệ quốc tế. Ở góc độ rộng hơn, quy định của dự thảo về việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của người tham gia tố tụng và chủ tọa phiên tòa, phiên họp còn mang ý nghĩa quan trọng: Đảm bảo quyền con người. Tại nhiều nước, việc ghi hình dưới mọi hình thức đều bị cấm nếu chưa được cho phép. Ngay cả việc phát trực tuyến phiên xử cũng phải có chỉ định theo tính chất vụ án.

Quá trình xét xử công khai, tranh luận của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác… tại phiên tòa cần vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng. Từ góc độ tác nghiệp báo chí, nếu không cho ghi âm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thông tin của nhà báo, phóng viên. Lượng thông tin trong xét hỏi, tranh luận thường phức tạp, kéo dài, khó chuyển tải đầy đủ, chính xác khi không được ghi âm. Xét về thẩm quyền, lời nói và hình ảnh cá nhân của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác có thể là những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà công dân được tiếp cận có điều kiện. Theo Khoản 3, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan Nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan, mà không cần có sự đồng ý của đương sự liên quan. Đối chiếu với dự án, cần cân nhắc để phù hợp.

Phóng viên tác nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, về khía cạnh đảm bảo sự tôn nghiêm của TAND, thực hiện chức năng xét xử, đảm bảo sự công bằng, công minh của pháp luật, hội đồng xét xử cần tập trung tốt nhất cho việc đưa ra phán quyết, bản án công tâm, hợp lý, hợp tình. Việc ghi âm, ghi hình nếu không có quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử; quy định “ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý” là cần thiết. Tuy nhiên, cần có thêm văn bản từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể để được phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

Cụ thể, xin ý kiến bằng văn bản trước phiên tòa diễn ra, hay xin phép tại phiên tòa? Thông tin đăng ký để được ghi âm, ghi hình gồm những gì, có cần thiết phải được sự đồng ý của tất cả người liên quan có mặt tại phiên tòa không? Trường hợp nào thuộc nội dung được ghi âm, ghi hình? Trường hợp chủ tọa phiên tòa đồng ý nhưng đương sự không đồng ý thì xử lý như thế nào? Quy định chặt chẽ và nghiêm túc thực hiện sẽ vừa đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên tòa, đảm bảo được quyền con người, quyền công dân của người tham gia tố tụng, đặc biệt là đương sự, bị cáo. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo việc tiếp cận thông tin của người dân, việc đưa tin của cơ quan báo chí.

Tôn trọng, bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của người tham gia tố tụng cần được đặt trong mối tương quan với lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Thể chế hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong một số trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Cụ thể, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, như: Hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Như vậy, hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, phiên họp do TAND tiến hành có thể thuộc cả 2 trường hợp nêu trên. Vấn đề đặt ra là cơ chế thực thi. Tôn trọng và bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không được xâm phạm nguyên tắc TAND xét xử công khai được hiến định tại Khoản 3, Điều 103 Hiến pháp: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”.

N.R