Ngày 24/8, nhà chức trách Bangladesh cho biết gần 300.000 người vẫn đang phải lánh nạn ở các nơi trú ẩn khẩn cấp do lũ lụt nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn của quốc gia Nam Á có địa hình trũng thấp này.
Đầu tuần này, Bangladesh đã trải qua trận lũ quét gây tàn phá, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng triệu người bị mắc kẹt.
Quốc gia Nam Á với dân số 170 triệu người, được bao quanh bởi hàng trăm con sông, đã chứng kiến lũ lụt thường xuyên trong những thập niên gần đây, thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Thư ký của Bộ Quản lý và Cứu trợ thảm họa, ông Kamrul Hasan, cho biết cho đến nay, 285.000 người vẫn đang phải sống ở các nơi trú ẩn tạm thời và 4,5 triệu người bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Trong khi đó, mạng lưới đường cao tốc và đường sắt nối giữa thủ đô Dhaka và thành phố cảng Chittagong đã bị hư hại, khiến việc tiếp cận các khu vực bị ngập lụt trở nên khó khăn và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Ấn Độ, bang Tripura ở phía Đông Bắc giáp biên giới Bangladesh, cũng đang hứng chịu lũ lụt và lở đất nghiêm trọng, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng.
Hiện khoảng 65.000 người vẫn đang phải tạm trú tại 450 cơ sở lánh nạn tạm thời.
Mùa mưa ở Bangladesh và Ấn Độ thường bắt đầu vào tháng Sáu hằng năm. Hai quốc gia Nam Á này có chung 54 con sông chảy từ dãy Himalaya đến vịnh Bengal. Trong những thập niên gần đây, Bangladesh thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt.
Theo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu (GCRI), Bangladesh là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu nhất. Mưa mùa hằng năm gây ảnh hưởng trên diện rộng, nhưng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hình thái thời tiết và làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở quốc gia Nam Á này.