Báo động ô nhiễm là nguyên nhân gây 1/6 số ca tử vong toàn cầu

18/05/2022 - 19:08

Ô nhiễm đã khiến khoảng 9 triệu người tử vong sớm vào năm 2019, trong đó số ca tử vong do ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.

Ô nhiễm không khí ngoài trời đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ảnh: AFP

Các chất thải do con người tạo ra trong không khí, nước và đất hiếm khi giết chết chúng ta ngay lập tức. Thay vào đó, chúng gây bệnh tim, ung thư, bệnh về hô hấp, tiêu chảy và các bệnh nghiêm trọng khác.

Ủy ban về ô nhiễm và sức khỏe của Tạp chí Lancet ngày 18/5 công bố báo cáo cho biết tác động từ ô nhiễm đối với sức khỏe toàn cầu vẫn lớn hơn nhiều so với chiến tranh, khủng bố, sốt rét, HIV, lao, ma túy và rượu. Theo Lancet, ô nhiễm là một mối đe dọa hiện hữu đối với sức khỏe con người và hành tinh, cũng như gây nguy hiểm cho sự bền vững của các xã hội hiện đại.

Nhìn chung, bản đánh giá cho thấy ô nhiễm không khí - chiếm tổng cộng 6,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019 - đã leo thang cùng với tình trạng biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, nguồn gốc chính của cả hai vấn đề trên đều là tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu sinh học.

Tác giả chính của báo cáo, ông Richard Fuller tại Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, cho biết: “Nếu không thể phát triển theo hướng xanh và sạch, chúng ta đang phạm sai lầm khủng khiếp”. Ông lưu ý ô nhiễm chất hóa học cũng đang đe dọa nền đa dạng sinh thái và dẫn đến một mối đe dọa toàn cầu lớn khác.

Cụ thể, cứ sáu ca tử vong sớm trên toàn cầu thì có một là do ô nhiễm. Con số này không thay đổi kể từ lần đánh giá gần nhất vào năm 2015.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà, nguồn nước và điều kiện vệ sinh không đầy đủ, với những cải thiện lớn được chứng kiến ở châu Phi.
Nhưng những ca tử vong sớm liên quan đến quá trình công nghiệp hóa - ô nhiễm không khí ngoài trời và hóa chất - đang gia tăng, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Á.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, ô nhiễm không khí bao quanh đã gây ra khoảng 4,5 triệu cái chết chết vào năm 2019, tăng lên so với 4,2 triệu người năm 2015 và chỉ 2,9 triệu người năm 2000. Tình trạng ô nhiễm hóa chất cũng ngày càng gia tăng, riêng nhiễm độc chì đã khiến 900.000 người chết. 

Các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đặc biệt giống với nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP 

Đe dọa đến trẻ em

Algeria đã cấm pha chì vào xăng từ năm 2021 và trở thành quốc gia gần đây nhất làm như vậy.

Thế nhưng, người dân vẫn tiếp tục tiếp xúc với chất độc hại này, phần lớn là do hoạt động tái chế pin axit-chì và chất thải điện tử không được kiểm soát. Các loại gia vị dùng trong nấu nướng bị ô nhiễm cũng là một thủ phạm.

Tác giả Richard Fuller nói: “Thực tế là tình trạng nhiễm chì ngày càng trở nên tồi tệ hơn, chủ yếu ở các nước nghèo và làm gia tăng số lượng người chết”.

Bệnh tim là nguyên nhân của hầu hết tất cả các trường hợp tử vong sớm do tiếp xúc với chì – một loại chất gây xơ cứng động mạch.Ước tính, hiện nay có hàng trăm triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi nồng độ chì tăng cao trong máu nên sẽ gặp vấn đề về phát triển của não và mất chức năng nhận thức nghiêm trọng.

Báo cáo cho biết chì cũng có liên quan đến sự gia tăng đột biến các ca rối loạn hành vi và làm giảm năng suất kinh tế, với thiệt hại kinh tế toàn cầu ước tính gần 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Ở châu Phi, thiệt hại kinh tế từ việc mất chỉ số IQ liên quan đến chì tương đương với khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi ở châu Á con số này lên tới 2%.

Các nỗ lực để cải thiện ô nhiễm nước và không khí trong nhà gặp trở ngại vì ô nhiễm công nghiệp ngày càng gia tăng. Ảnh: AFP

Kẻ giết người thầm lặng

Các nhà nghiên cứu cho biết nhìn chung những ca tử vong do ô nhiễm quá mức đã dẫn đến thiệt hại kinh tế tổng cộng 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2019, hay khoảng 6% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu

Cho đến nay, những quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm đến hơn 90% số ca tử vong.

Ngày càng có nhiều bằng chứng về sự ô nhiễm vượt qua phạm vi lãnh thổ quốc gia và xuất hiện trong gió, nước và chuỗi thức ăn. Các cơn gió trên toàn cầu đã vận chuyển ô nhiễm không khí từ Đông Á đến Bắc Mỹ, từ Bắc Mỹ đến châu Âu, và từ châu Âu đến Bắc Cực và Trung Á.

Tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi mịn trong khí thải từ ô tô xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác có thể gây nhồi máu cơ tim, đột ngụy và các vấn đề sức khỏe khác. Những vật chất này nhỏ đến mức mà khi một người hít phải, chúng có thể chạy sâu tới phổi hoặc mạch máu của người đó.

Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, dù ở dưới mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng có thể dẫn đến cơn đau tim chỉ trong vòng một giờ. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc, được công bố ngày 22/4 trên tạp chí Circulation của Hiệp hội tim mạch Mỹ.

Trong khi đó, ngũ cốc, hải sản, sô cô la và rau quả được sản xuất để xuất khẩu ở các nước đang phát triển có thể bị ô nhiễm do đất và nước bị ô nhiễm chì, asen, cadmium, thủy ngân và thuốc trừ sâu.
Báo cáo của Lancet nêu rõ điều này ngày càng đe dọa đến an toàn thực phẩm toàn cầu, đồng thời cảnh báo việc tìm thấy các kim loại độc hại trong sữa công thức và thức ăn cho trẻ em cần được quan tâm đặc biệt.

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)