Các loại nấm với khả năng gây nhiễm trùng, nguyên nhân đứng sau hàng triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, sẽ phát tán mạnh sang nhiều khu vực mới khi hành tinh của chúng ta nóng lên. Đây là cảnh báo đáng chú ý trong một nghiên cứu khoa học mới, với nội dung được trích dẫn trong bài viết đăng trên trang tin CNN hôm 24/5.
Có một thực tế là nấm có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái đất. Nấm phát triển trong các môi trường như đất, phân bón và nước. Chúng đóng vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái, nhưng cũng gây ra tác động tàn phá đến sức khỏe con người: CNN cho biết hiện tượng nhiễm trùng do nấm gây ra giết chết khoảng 2,5 triệu người mỗi năm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất lâu mới hiểu hết về nấm, đặc biệt là cách thức những sinh vật có khả năng thích nghi đáng kinh ngạc này sẽ phản ứng với tình trạng khí hậu ấm lên ra sao.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Manchester, Anh quốc, đã sử dụng phương thức mô phỏng và dự báo trên máy tính để lập bản đồ về khả năng lây lan trong tương lai của Aspergillus - một nhóm nấm phổ biến có thể được tìm thấy trên khắp thế giới. Loại nấm này có thể gây ra bệnh nhiễm trùng cơ hội aspergillosis với khả năng đe dọa tính mạng con người.
Họ phát hiện ra rằng một số loài Aspergillus sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của chúng khi Trái đất ngày càng nóng lên. Cụ thể, chúng sẽ xâm nhập mạnh vào các khu vực mới ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Nga. Nghiên cứu, được công bố trong tháng này, hiện vẫn đang chờ sự đánh giá của các chuyên gia trong ngành.
Norman van Rijn, một trong những tác giả của nghiên cứu, đồng thời là nhà khoa học chuyên xem xét về biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Manchester, cho biết: "Nấm được nghiên cứu tương đối ít so với virus và ký sinh trùng. Nhưng bản đồ (mô phỏng) cho thấy những tác nhân gây bệnh từ nấm có khả năng ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trên thế giới trong tương lai".
Mối đe dọa từ nấm độc gần đây thu hút sự chú ý của công chúng nhờ bộ phim truyền hình nổi tiếng "The Last of Us" phát trên kênh HBO. Phim kể về một nhóm người cố gắng sinh tồn trong một thế giới mà ở đó một loại nấm độc đã biến hầu hết cư dân thành những con quái vật hung dữ.
Van Rijn cho biết phim chỉ là hư cấu, nhưng hy vọng nó sẽ nâng cao nhận thức về các bệnh nhiễm trùng do nấm gây ra, thủ phạm đang giết chết hàng triệu người trong thực tế.
Nấm Aspergillus sinh trưởng dưới hình dạng của những sợi nhỏ xíu nằm trong lòng đất trên khắp thế giới. Giống như hầu hết các loại nấm khác, chúng giải phóng một lượng lớn bào tử nhỏ và phát tán chúng trong không khí.
Con người hít phải bào tử nấm mỗi ngày, nhưng hầu hết sẽ không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch sẽ loại bỏ các bào tử này.
Nhưng câu chuyện sẽ khác hẳn đối với những người mắc các bệnh về phổi, bao gồm hen suyễn, xơ nang và viêm kẽ phổi. Tương tự là những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư và ghép tạng. Ngoài ra còn phải kể tới những người đã từng bị cúm nặng, hoặc bị nhiễm virus gây dịch COVID-19.
Van Rijn cho biết, nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể không loại bỏ được bào tử, nấm sẽ "bắt đầu phát triển và về cơ bản là ăn thịt người dần từ trong ra ngoài".
Ông cho biết bệnh nhiễm trùng aspergillosis có tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 20% đến 40% số bệnh nhân mắc phải. Bệnh này cũng rất khó chẩn đoán, vì bác sĩ không phải lúc nào cũng hiểu biết rõ về nấm Aspergillus. Ngoài ra, bệnh nhân thường bị sốt và ho, trong khi đây là các triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh.
Van Rijn cho biết thêm rằng các tác nhân nấm gây bệnh cũng ngày càng kháng thuốc điều trị. Hiện thế giới chỉ có 4 loại thuốc chống nấm.
Tất cả những điều này mang đến một viễn cảnh xấu, bởi biến đổi khí hậu sẽ giúp Aspergillus mở rộng phạm vi hoạt động. Nghiên cứu phát hiện ra rằng Aspergillus flavus, một loài nấm có xu hướng thích khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có thể lây lan thêm 16% trong tình huống khí hậu tiếp tục nóng lên. Dự kiến bệnh này sẽ lan sang một số vùng ở Bắc Mỹ, Bắc Trung Quốc và Nga.
Aspergillus flavus có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở người và kháng nhiều loại thuốc chống nấm. Ngoài lây nhiễm trên cơ thể người, nó cũng lây nhiễm nhiều loại cây lương thực, gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh lương thực.
Tổ chức Y tế Thế giới đã thêm Aspergillus flavus vào nhóm tác nhân gây bệnh nấm quan trọng hồi năm 2022, xét tới tác động của nó đối với sức khỏe cộng đồng và nguy cơ kháng thuốc chống nấm.
Ở một chiều khác, Aspergillus fumigatus, loài nấm ưa khí hậu ôn hòa hơn, được dự đoán sẽ lan rộng về phía Bắc khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Nghiên cứu cho thấy nó có thể tăng 77,5% phạm vi lây lan vào năm 2100 và chứa tiềm năng khiến 9 triệu người ở châu Âu bị nhiễm bào tử.
Ngược lại, nhiệt độ một số khu vực, bao gồm cả vùng cận Sahara ở châu Phi, có thể trở nên quá nóng đến mức không còn thích hợp để nấm Aspergillus sinh sống nữa. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra những vấn đề riêng, vì nấm luôn đóng vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái.
Ngoài việc mở rộng phạm vi phát triển, một thế giới ấm lên cũng có thể làm tăng khả năng chịu nhiệt của nấm, cho phép chúng tồn tại tốt hơn bên trong cơ thể con người.
Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt và nắng nóng cũng có thể ảnh hưởng đến nấm, giúp phát tán bào tử trên một khoảng cách xa. Đã từng có những đợt bùng phát bệnh do nấm gây ra sau các thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn như đợt bùng phát sau trận lốc xoáy hồi năm 2011 ở Joplin, Missouri.
Nhận xét nghiên cứu mới về nấm Aspergillus, bà Elaine Bignell, đồng giám đốc Trung tâm Y học về nấm tại Đại học Exeter, Anh quốc, chia sẻ với CNN rằng công trình đã "làm sáng tỏ mối đe dọa của nấm sống trong môi trường tự nhiên của chúng ta", đồng thời cho thấy chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với việc chúng lây lan mạnh hơn.
Tuy nhiên bà cũng nói thêm với CNN rằng nhiều thứ vẫn còn nằm ở mức giả định và sẽ cần thêm các nghiên cứu mới nữa để ta có thể hiểu sâu hơn vấn đề.