Vụ người biểu tình tấn công nhà thị trưởng được hãng tin Reuters mô tả "kinh hoàng" xảy ra rạng sáng 2/7 (giờ Pháp).
"Sự kiện kinh hoàng và đáng hổ thẹn diễn ra vào khoảng 1 giờ 30" – ông Vincent Jeanbrun, lãnh đạo thị trấn L'Hay-les-Roses ở ngoại ô Paris, viết lời phẫn nộ trên Twitter. Trị trưởng Jeanbrun cho biết người biểu tình lao ôtô vào nhà rồi phóng hỏa trong lúc gia đình ông đang ngủ.
"Vợ và một người con của tôi bị thương" - thị trưởng Jeanbrun nhấn mạnh - "Đây đích thực là âm mưu giết người đến từ hành vi hèn nhát không từ ngữ nào mô tả được".
Hiện trường vụ lao xe và phóng hỏa tại nhà lãnh đạo thị trấn L'Hay-les-Roses ngày 2-7. Ảnh: Kênh BFMTV
Các công tố viên địa phương cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự đối với vụ việc nêu trên, tuy nhiên chưa xác định được bị can nên chưa có bất cứ vụ bắt giữ nào.
Vụ lao xe và đốt nhà lãnh đạo thị trấn L'Hay-les-Roses diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang rúng động vì các cuộc biểu tình bạo loạn. Đây là đêm biểu tình phẫn nộ thứ 5 liên tiếp của người dân liên quan đến việc một thiếu niên bị cảnh sát bắn chết khi vi phạm luật giao thông.
Nạn nhân được xác định là Nahel M, 17 tuổi, người Pháp gốc Algeria. Cậu bị viên cảnh sát giao thông 38 tuổi bắn chết khi đang trên tay lái chiếc Mercedes AMG ở ngoại ô Nanterre của Paris sáng 27-6.
Khi thiếu niên Nahel M rồ ga bỏ chạy, viên cảnh sát đã nổ súng. Chiếc xe của Nahel M chạy thêm được vài chục mét thì đâm vào lề đường. Cậu được cấp cứu tại hiện trường nhưng không qua khỏi.
Sự kiện làm nóng lại tranh cãi về tình trạng cảnh sát phân biệt đối xử với người sống tại các khu dân cư có điều kiện kinh tế xã hội thấp và đa sắc tộc.
Cảnh sát và người biểu tình Pháp đụng độ đêm 1-7. Ảnh: Reuters
Bộ Nội vụ Pháp thông báo cảnh sát nước này bắt 719 người trong đêm 1-7 (giờ địa phương). "Một đêm yên tĩnh hơn nhờ hành động kiên quyết của lực lượng an ninh" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gerald Darmanin thông báo.
Giới chức Pháp trước đó điều 45.000 cảnh sát đối phó với bạo loạn trên cả nước, lực lượng quân cảnh cũng điều một số thiết giáp tham gia hỗ trợ.
Các địa phương như Lyon, Grenoble hay Marseille ghi nhận bạo loạn dữ dội nhất.
Nhằm hạn chế tình trạng bạo lực, giới chức Pháp cấm bán pháo hoa cỡ lớn và dung dịch dễ cháy. Các dịch vụ xe điện và xe buýt tại Pháp dừng hoạt động từ 21 giờ đến sáng hôm sau.
Tại Marseille, nơi diễn ra những vụ đụng độ và cướp bóc dữ dội, mọi phương tiện giao thông công cộng, trong đó có tàu điện ngầm, dừng hoạt động từ 18 giờ đến sáng hôm sau.
Các vụ biểu tình bạo lực khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải hủy chuyến thăm Đức vốn được lên kế hoạch trước đó. Động thái của ông Macron cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng mà nước Pháp đang trải qua.
Theo BẰNG HƯNG (Người lao động)