Các hòa thượng chùa Khmer viết kinh trên lá Buông
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kinh lá Buông (Satra) là loại thư tịch cổ được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali trên lá Buông xuất hiện từ khoảng thế kỷ XIX. Theo các sãi cả chùa Khmer, cây lá Buông có hình dáng giống cây cọ, thốt nốt. Lá buông có độ bền cao, để lâu không mục, không bị mối mọt ăn nên dù trải qua nhiều thế kỷ mà những kinh Phật, hay tài liệu cổ được ghi trên lá buông vẫn được lưu giữ và còn nguyên giá trị. Kinh lá Buông là tài liệu quý chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành... chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng của đồng bào DTTS Khmer. Ngoài kinh Phật, các văn bản viết trên lá Buông còn ghi chép các nội dung về văn học, lịch pháp, y học, những câu chuyện kể về các hiện tượng của đời sống xã hội…
Ở An Giang, kinh lá Buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với khoảng hơn 179 bộ kinh lá Buông, trên 924 quyển. Trong đó, chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) là nơi còn lưu giữ được nhiều bộ kinh lá Buông nhất, với trên 100 bộ.
Kinh lá Buông là tài sản vô giá chứa đựng giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào DTTS Khmer được trao truyền từ đời này sang đời khác trong các chùa Khmer vùng Bảy Núi. Vì vậy, ngày 23-1-2017, “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang” thuộc loại hình tri thức dân gian được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, ở các chùa Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên còn rất ít các vị sư sãi biết khắc chữ trên lá Buông. Vì hoàn thành một cuốn kinh lá phải trải qua nhiều công đoạn, tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi sự khéo léo, lòng đam mê đối với công việc này. Mặt khác, muốn khắc được thì người học phải am tường nội dung của từng loại kinh, vì hầu hết các bộ kinh lá Buông được chạm khắc bằng chữ Khmer cổ và chữ Pali. Đặc biệt, những năm gần đây, nguyên liệu lá Buông trở nên khan hiếm. Cho nên, việc chép chữ lá Buông và các bộ kinh lá Buông đang đứng trước nguy cơ thất truyền theo thời gian.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Nhằm có phương án bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của đồng bào DTTS Khmer tỉnh An Giang” và sự quan tâm, tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký Quyết định 2608/QĐ-UBND, ngày 8-11-2021 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang” đến năm 2030.
Theo đó, đề án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2022 - 2026), sẽ thực hiện công tác kiểm kê, phân loại các bộ kinh lá Buông trên địa bàn tỉnh theo hệ thống. Triển khai bảo quản trị liệu, phục hồi đối với những di sản kinh lá Buông đã bị hư hỏng và hướng dẫn bảo quản cho các chùa đang lưu giữ kinh lá Buông. Sau đó, sẽ thực hiện tư liệu hóa và số hóa di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang” bằng hình thức ứng dụng công nghệ thông tin.
Thông qua các thư viện kỹ thuật số, lưu trữ thông tin điện tử sẽ giúp thuận tiện cho việc tra cứu cho những nhà nghiên cứu, người quan tâm, hứng thú tìm hiểu về di sản này cũng như cho mọi người trong xã hội và tránh tình trạng thất lạc. Song song đó, sẽ tổ chức bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đã được nhận diện, xây dựng thêm các dị bản của một số bộ kinh lá Buông phục vụ cho công tác giáo dục di sản, phát triển du lịch.
Đồng thời, dịch thuật một số bộ kinh lá Buông tiêu biểu để làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu và giới thiệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức. Đưa vào chương trình học ngoại khóa và các cuộc thi học thuật ở các trường học về việc tìm hiểu di sản. Triển lãm rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức giá trị văn hóa cổ truyền trong người dân góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang”.
Giai đoạn II (2028 - 2033) của Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang” đến năm 2030 sẽ thực hiện xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
TRỌNG TÍN