Bảo vệ “lá phổi xanh” mùa khô

02/04/2018 - 05:36

 - Bằng cách gắn sinh kế của người dân với rừng, xây dựng “tai, mắt” ở nhiều điểm trọng yếu, bố trí dụng cụ chữa cháy tận nhà dân… công tác bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Những mảng xanh trên đồi núi và đồng bằng đang làm dịu đi cái nắng như cháy da mùa khô.

Chen đặc sản vào rừng

Trên khu vực Ô Sình thuộc núi Dài (khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang), dù diện tích rừng rộng hơn 60ha nhưng chỉ có 15 hộ nhận giao khoán trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp trồng cây ăn trái từ nhiều năm nay.

Để giữ an toàn những mảng xanh trên đồi núi, cũng là giữ “chén cơm” của mình, 15 thành viên nơi đây đã tham gia vào Tổ hợp tác (THT) BVR Ô Sình. Do đặc thù trồng cây trên núi nên nhà nào cũng có bình xịt máy, can nhựa, cuốc, xẻng…

“Trạm Kiểm lâm An Tức định trang bị cho THT bình chữa cháy đeo vai nhưng chúng tôi không nhận. Ngay cạnh nhà tôi có trang bị sẵn bồn nước, nếu xảy ra cháy mọi người sẽ tự đến xả vào can nhựa, bình phun thuốc rồi phối hợp chữa cháy. Công an, xã đội được trang bị bình chữa cháy đeo vai chuyên dụng nên khi xảy ra cháy, họ cũng hỗ trợ rất nhanh” - ông Lê Công Tảo, Tổ trưởng THT BVR Ô Sình thông tin.

Với 4ha đất nhận giao khoán trồng rừng, gia đình ông Tảo có cuộc sống khá no ấm. Cùng với bảo vệ, chăm sóc rừng keo, sao, dầu, ông Tảo còn trồng xen vào 200 gốc sầu riêng, lập vườn bơ, bưởi, quýt trên núi Dài.

“Nhờ Chi cục Kiểm lâm An Giang hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ chứa nước 100m3 trên núi, vừa phục vụ BVR vừa tưới cây rất tốt. Sầu riêng hiện đang ra hoa, khoảng tháng 6 sẽ bắt đầu cho thu hoạch trái. Năm rồi, tôi dự kiến thu hoạch khoảng 1 tấn trái nhưng do mưa bão làm rụng, hư nên chỉ còn vài trăm ký.

Với giá bán tại vườn 60.000 đồng/kg, kiếm được vài chục triệu đồng. Năm nay, tôi kỳ vọng mỗi gốc sầu riêng sẽ mang về khoảng 5 triệu đồng, bơ cũng cho thu hoạch cùng thời điểm, còn bưởi và quýt sẽ phụ thêm kinh tế đáng kể” - ông Tảo bộc bạch.

Ở khu vực Ô Sình, các nông dân đều gắn chặt kinh tế gia đình với rừng như ông Tảo nên ai cũng có ý thức BVR. Dù số hộ trồng rừng ít nhưng họ vẫn nỗ lực góp công, góp của, tích cực vận động các nguồn lực để làm tuyến đường bê-tông dài 3.557m lên núi.

“Chúng tôi làm năm này qua năm nọ, có bao nhiêu làm bao nhiêu, đoạn nào hư thì gia cố lại. Bây giờ có tuyến đường rồi, việc vận chuyển vật tư, nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. Công tác PCCCR cũng cơ động và thuận lợi hơn” - ông Tảo chia sẻ.

Để các hộ dân có thêm thu nhập và gắn bó với rừng, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã hỗ trợ triển khai đề án trồng đinh lăng ở khu vực Ô Sình. Sắp tới, THT BVR sẽ tổ chức trồng thí điểm 5ha đinh lăng. “Chúng tôi sẽ trồng 1.000 cây/công. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã hỗ trợ 3.400 cây đinh lăng giống, phần còn lại THT sẽ mua thêm. Dự kiến sau 2 năm trồng, đinh lăng sẽ đạt 2 tấn/công. Với giá bán xô 15.000 đồng/kg (cả gốc, rễ, lá), nông dân sẽ có lợi nhuận ít nhất 5 triệu đồng/công” - ông Tảo dự tính.

Đề cao cảnh giác

Đến Trạm Kiểm lâm An Tức thời điểm này, ít khi thấy cán bộ kiểm lâm ở trụ sở. “Chúng tôi được giao quản lý địa bàn xã An Tức, thị trấn Ba Chúc (các địa phương có rừng), xã Lạc Quới và Vĩnh Gia (kiểm soát vận chuyển gỗ, động vật hoang dã). Hiện nay đang vào mùa khô, cán bộ kiểm lâm phải tỏa xuống các địa bàn, cùng với cán bộ lâm nghiệp các xã đi tuần tra, BVR ở những vùng trọng điểm cháy.

Ở các khu vực có rừng đều cho treo băng-rôn, gắn quy định cấm lửa, sơn biểu tượng cấm lửa lên vách đá, thực hiện tuyên truyền thường xuyên trên Đài truyền thanh xã và tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực tiếp trong các khu vực rừng về công tác BVR và PCCCR” - ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng Trạm Kiểm lâm An Tức thông tin.

Dẫn phóng viên đi khảo sát một vòng núi Trọi (tiếp giáp với núi Dài), ông Thương tự hào cho biết: “Hồi trước, ngọn núi này chủ yếu là đồi đá trơ trọi nên người dân gọi là núi Trọi. Hạt Kiểm lâm đã thực hiện giao khoán trồng rừng kết hợp hỗ trợ các mô hình kinh tế rừng cho người dân nên giờ đây núi Trọi đã được phủ xanh gần như toàn bộ”.

Đối với rừng sao ven chân núi và trên đồi núi, Hạt Kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng thưa để có thể xen canh xoài, bưởi và những loại cây ăn trái khác. Còn rừng keo khi phát triển dày, Hạt Kiểm lâm An Tức cho phép người dân cắt tỉa bớt, tận dụng bán cành cây cải thiện thu nhập, đồng thời có khoảng trống để trồng xen canh những loại cây khác cho hiệu quả kinh tế.

“Bên cạnh hoạt động tuần tra, chúng tôi đã bố trí được 23 điểm PCCCR, hợp đồng gác lửa với người dân để khi xảy ra sự cố, họ thông tin nhanh đến kiểm lâm triển khai xử lý ngay” - ông Thương chia sẻ.

Trên toàn địa bàn tỉnh, tinh thần trách nhiệm trong BVR và PCCCR được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm cháy. Tất cả đều quyết tâm bảo vệ “lá phổi xanh” an toàn trong suốt mùa khô.

Theo ông Trương Minh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm An Giang, nhờ triển khai đồng bộ các phương án PCCCR nên từ đầu mùa khô đến nay, các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đều được bảo vệ tốt. Trong quý I-2018, chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng tại đồi 1 - núi Phú Cường (thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) với diện tích 200m2 nhưng chủ yếu là cháy lá khô mục, không gây thiệt hại đến rừng.

 

NGÔ CHUẨN