Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

06/10/2022 - 07:18

 - Nếu như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) nhằm xây dựng đất nước, thì Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” được xem như chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, nghị quyết đã triển khai được 10 năm, đang bước vào giai đoạn tổng kết.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, trong đó nêu rõ quan điểm nhất quán, khoa học về xác định đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh có sức chiến đấu cao; triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khen thưởng cá nhân trong lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI)

Tại An Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, quy hoạch khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, đường tuần tra biên giới… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ, gắn với phát triển KTXH. Hàng loạt phong trào đi vào đời sống, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới”; “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Theo trung tá Huỳnh Chiến Thắng (Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh An Giang), trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đơn vị quan hệ đối ngoại với lực lượng bảo vệ biên giới, quản lý cửa khẩu của Vương quốc Campuchia để thi hành các điều ước quốc tế, hiệp ước, hiệp định về quy chế biên giới.

Nhờ đó, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa 2 nước, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trong 10 năm, lực lượng phát hiện, xử lý gần 3.000 vụ, liên quan gần 4.000 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép; không để xảy ra xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới; bảo vệ nguyên trạng đường biên, cột mốc.

Các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 với nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo; kịp thời tham mưu Đảng ủy - Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy - UBND tỉnh trong lãnh, chỉ đạo xử lý tình huống trên biên giới, cửa khẩu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển KTXH với củng cố quốc phòng - an ninh; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng vũ trang được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 8 mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho biên giới An Giang. Quan trọng nhất là bài học về quyết tâm của người đứng đầu. Nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác định quyết tâm cao, hành động quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết, thì nơi đó kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” đạt chất lượng cao.

Việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện quan trọng để xây dựng, bảo vệ biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Qua đó, xây dựng niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, xây dựng ý thức, tinh thần trách nhiệm nhân dân khu vực biên giới đối với nhiệm vụ thiêng liêng này.

Mỗi bước tăng trưởng KTXH là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, đặc biệt tại những địa bàn trọng điểm. Việc xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ phải có quy hoạch lâu dài, mang tính chiến lược và lưỡng dụng; vừa đảm bảo khả năng về tài chính, vừa đảm bảo hiệu quả và tính bền vững, tránh thất thoát, lãng phí.

Thế và lực, sức mạnh tổng hợp, uy tín quốc tế của đất nước tăng lên, tạo ra tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đi kèm với thuận lợi là muôn vàn thách thức, khó khăn. Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông qua hoạt động hợp tác, đầu tư để tăng cường chống phá Đảng, nhà nước, quân đội. Vì thế, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) là cơ sở quan trọng để xác định phương hướng, đề xuất giải pháp hợp lý nhất để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời gian tới, trong mọi tình huống.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích