Hào khí Nghĩa binh Gia Nghị
Ca dao Nam bộ có câu “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/Nhớ người áo trắng, khăn điều vắt vai”, nhiều người cho rằng, hình ảnh “người áo trắng” là nói đến Trần Văn Thành- một chí sĩ yêu nước, một trong những thủ lĩnh tiêu biểu của phong trào kháng Pháp ở Tây Nam Bộ giai đoạn gần cuối thế kỷ thứ XIX. Áo trắng và khăn điều là y phục đặc trưng của những tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và là quân phục của Nghĩa binh Gia Nghị do Quản cơ Trần Văn Thành chỉ huy lúc bấy giờ. Trần Văn Thành sinh năm 1818 trong một gia đình nông dân tại ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, Tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Bình, Phú Tân). Năm 1840, ông gia nhập quân đội triều Nguyễn, nhờ giỏi võ nghệ, có chữ nghĩa và tài chỉ huy, ông được phong làm suất đội, chỉ huy 50 binh lính. Giai đoạn này, ông lập nhiều công trận, giữ yên bờ cõi, bảo vệ biên giới, trấn áp các cuộc nổi loạn nên được thăng chức Quản cơ, chỉ huy 500 quân sĩ, đồn trú trong địa phận tỉnh An Giang.
Tượng Quản cơ Trần Văn Thành tại thị trấn Cái Dầu (Châu Phú)
Tháng 6-1867, khi quân Pháp chiếm An Giang, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, Trần Văn Thành tổ chức nghĩa quân cùng nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Đầu năm 1868, Trần Văn Thành xây dựng căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa, đây là vùng đất do ông và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang. Căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa được xây dựng dựa vào thế đất hiểm trở, có hệ thống đồn phòng thủ xung quanh, tạo thế liên hoàn và có cả hệ thống rèn đúc, sản xuất vũ khí tại chỗ.
Năm 1872, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa, lấy hiệu “Binh Gia Nghị” tuyên bố chống Pháp. Sau nhiều lần tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, với sự giúp sức của nhiều tên Việt gian, ngày 19-3-1873 (nhằm 20-2 âm lịch năm Quý Dậu), quân Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bảy Thưa. Sau 1 ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của Pháp, căn cứ Bảy Thưa thất thủ, Trần Văn Thành kịp ra lệnh cho các nghĩa binh và gia đình rút lui, tránh được tổn thất lớn lao. Riêng ông bị mất tích, có lẽ đã hy sinh trên đường rút lui. Tưởng nhớ công lao khai hoang, phục hóa và chống giặc ngoại xâm của Quản cơ Trần Văn Thành, nhân dân Châu Phú đã lập đền thờ ông tại trại ruộng Láng Linh. Năm 1986, Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Tiếp nối tinh thần yêu nước
Tuy Quản cơ Trần Văn Thành đã ra đi và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thất bại nhưng tiếng vang về lòng yêu nước của Nghĩa binh Gia Nghị ngày ấy vẫn sống mãi. Đối với người dân Châu Phú, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng và chỉ huy mãi là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, là mốc son quan trọng khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tiếp nối tinh thần yêu nước của thế hệ cha anh, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Châu Phú một lòng chống giặc, kiên cường, bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khổ, không tiếc hy sinh xương máu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, ngày 28-5-2010, huyện Châu Phú đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.
Lễ kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa được tổ chức hàng năm
Thời bình, nhân dân Châu Phú tiếp tục ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương thông qua những mô hình hay, cách làm tốt để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng dần qua các năm. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 44 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 1ha đạt 169 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực đạt 573.672 tấn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Châu Phú đã có 6/12 xã đạt chuẩn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám chia sẻ: “Để nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước, ra sức xây dựng quê hương, năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống pháp hy sinh, huyện Châu Phú đã quyết định chọn ngày 21-2 (âm lịch) hàng năm tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống của huyện. Năm nay là lần thứ XVII huyện Châu Phú tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống, kỷ niệm 146 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Nhằm tạo không khí náo nhiệt, sôi nổi phục vụ người dân trong và ngoài địa phương đến viếng Quản cơ Trần Văn Thành, bên cạnh phần lễ chính ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, trò chơi dân gian, hội thi bon-sai…”.
MỸ LINH