Bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội, Luật An ninh mạng quy định thế nào?

17/06/2018 - 19:29

Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua, không cấm người tham gia mạng xã hội lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, tuy nhiên những người sử dụng mạng xã hội phải luôn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật.


Luật An ninh mạng chỉ điều chỉnh, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật. Luật này cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế, thiếu sót về hành lang pháp lý đã tồn tại trong suốt thời gian dài, góp phần đảm bảo không gian mạng lành mạnh, an toàn.

 Chỉ xử lý các thông tin vi phạm pháp luật

Thể hiện ý kiến cá nhân là nhu cầu tất yếu của mỗi con người, nhất là trong thời đại Internet, các thiết bị thông tin liên lạc di động, các mạng xã hội phát triển bùng nổ, việc thể hiện quan điểm cá nhân được thực hiện dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm cá nhân một cách văn hóa, tôn trọng cộng đồng và người khác, cũng như không vi phạm pháp luật thì không phải ai cũng làm được.

Thực tế đã cho thấy, chỉ vì sự phán xét tùy tiện của một số cá nhân trên facebook đã gây ra tin đồn khiến cả mùa vụ của nông dân ở địa phương không thể tiêu thụ được sản phẩm. Hay hiện tượng “ném đá” trên mạng xã hội; tung ảnh, clip xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác khiến nạn nhân không những rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi, mà thậm chí vì áp lực từ mạng xã hội quá lớn, đã có hành động bột phát nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng bản thân. Nhiều trường hợp, việc “chém gió”, “ném đá” vô tội vạ của những “anh hùng bàn phím” để lại hậu quả hết sức nguy hại: gieo rắc thông tin sai lạc, gây hoang mang dư luận; kích động hành vi có tính chất cực đoan, bạo lực dẫn đến mất trật tự xã hội, vi phạm pháp luật...

Tuy nhiên trong một thời gian dài, pháp luật Việt Nam chưa có những hành lang pháp lý cụ thể để quy định những hành vi bị cấm trên mạng xã hội, trong đó có việc bày tỏ ý kiến cá nhân mà vi phạm pháp luật. Điều này dẫn đến thực trạng người dân không hiểu, không nhận thức được hoặc cố tình thực hiện các hành vi đó, và cơ quan chức năng không đủ công cụ pháp luật để xử lý.

Những tồn tại, hạn chế đó trong công tác bảo vệ pháp luật trên không gian mạng được kỳ vọng sẽ được khắc phục khi Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua với 86,86% đại biểu tán hành.

Trước hết phải khẳng định, Luật An ninh mạng không cấm người tham gia mạng xã hội lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, có điều những người sử dụng mạng xã hội phải luôn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Luật An ninh mạng chỉ điều chỉnh, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 15 Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể 5 nhóm thông tin trên không gian mạng bị coi là vi phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2017). Nhóm 1: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhóm 2: Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Nhóm 3: Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống. Nhóm 4: Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nhóm 5: Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Đây đều là những thông tin có thể gây nguy hại tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, được quy định trong Bộ luật Hình sự, cần phải xử lý trên không gian mạng. Do đó, người dân hoàn toàn có thể bày tỏ tự do chính kiến, quan điểm của cá nhân nhưng không được lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, kích động lôi kéo gây rối, bôi nhọ xúc phạm danh dự người khác...

Đạo đức xã hội luôn lên án những lời nói xấu, nói dối, nói sai sự thật. Bộ luật Hình sự điều chỉnh các hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân theo Tội làm nhục, Tội vu khống... Bộ luật Dân sự quy định về mức bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác theo mức độ thiệt hại. Tùy theo mức độ vi phạm và chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ đề xuất xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc Bộ luật Dân sự.

Tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Đồng thời với quy định về các hành vi bị cấm, các thông tin trên không gian mạng vi phạm pháp luật, Luật An ninh mạng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Điều 16 Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể về việc bảo vệ thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Đây là quy định cụ thể hóa Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, theo đó, “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Điểm a Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng cũng quy định các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng”. Đây là quy định cụ thể nhằm hạn chế, ngăn chặn việc bán thông tin người dùng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bên thứ 3 mà chưa có sự đồng ý của người dùng.

Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể trường hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được tiếp cận thông tin người dùng là khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Quy định này phù hợp với nội dung Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Theo X.T (TTXVN)