Trẻ em chờ nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực thế giới tài trợ ở Harare, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo "Chỉ số KidsRights" được tổ chức KidsRights phối hợp cùng trường Đại học Erasmus tại Rotterdam (Hà Lan) xây dựng dựa trên số liệu của các cơ quan Liên hợp quốc, nhằm đánh giá cách thức các quốc gia thực hiện Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền trẻ em.
Theo báo cáo, hơn 33% số trẻ em trên thế giới (khoảng 820 triệu trẻ) đang đối mặt với những đợt nắng nóng, trong khi tình trạng khan hiếm nước đã ảnh hưởng đến 920 triệu trẻ em trên toàn cầu. Ngoài ra, khoảng 600 triệu trẻ em mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết, tương đương cứ 4 trẻ có 1 trẻ mắc các căn bệnh này.
Báo cáo của KidsRights cũng lưu ý đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Các em không có đủ lương thực hoặc thuốc men do sự gián đoạn trong việc cung cấp các mặt hàng này khi các nước áp đặt các biện pháp hạn chế hay phong tỏa để chống dịch COVID-19. Hệ quả là khoảng 286.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã tử vong.
Ngoài ra, báo cáo nêu rõ số lao động trẻ em đã tăng lên 160 triệu lần đầu tiên sau 20 năm, tăng 8,4 triệu trong 4 năm qua.
Ông Marc Dullaert, nhà sáng lập và là Chủ tịch của KidsRights, nhấn mạnh: "Báo cáo năm nay đã gióng lên hồi chuông báo động cho thế hệ trẻ hiện tại và tương lai của chúng ta. Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, đe dọa tương lai và các quyền cơ bản của các em". Ông nhận định điều kiện sống của trẻ em đã không có sự cải thiện đáng kể nào trong thập niên qua và trên hết là cuộc sống của các em đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19.
Chỉ số KidsRights đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em tại các nước theo từng năm. Trong tổng số 185 quốc gia được đánh giá, Iceland, Thụy Điển và Phần Lan lần lượt là những quốc gia đứng đầu trong việc đảm bảo quyền trẻ em, trong khi Sierra Leone, Afghanistan và Chad là những quốc gia có thứ hạng thấp nhất trong lĩnh vực này. Angola và Bangladesh được đánh giá đã có những bước tiến đáng kể trong bảo vệ quyền trẻ em, trong đó Angola đã giảm hơn 50% tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, trong khi Bangladesh đã giảm gần 50% số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.
Theo THANH PHƯƠNG (TTXVN)