Bloomberg: Tổng thống Trump không muốn tham gia tái thiết Ukraine

25/01/2025 - 09:12

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không có ý định tham gia trực tiếp vào công cuộc tái thiết Ukraine sau khi xung đột kết thúc, theo thông tin từ Bloomberg vào ngày 24/1.

Ông Donald Trump (giữa) đã tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của "xứ cờ hoa".  Ảnh: REUTERS/TTXVN

Dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao, hãng Bloomberg đưa tin, đội ngũ của Tổng thống Trump đã ra tín hiệu rằng họ không có ý định tham gia trực tiếp vào quá trình tái thiết Ukraine, thay vào đó, khu vực tư nhân sẽ đảm nhận trách nhiệm này.

Quan điểm này trái ngược với chính sách của Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, khi Mỹ đã chi khoảng 100 tỷ USD hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev kể từ khi xung đột bùng phát vào năm 2022, đồng thời cam kết hỗ trợ cho công cuộc tái thiết đất nước sau xung đột.

Trong khi đó, Ukraine đang đẩy mạnh các sáng kiến tư nhân hóa để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ quá trình tái thiết. Ông Aleksey Sobolev, Thứ trưởng Kinh tế thứ nhất của Ukraine, đã vạch ra kế hoạch tái thiết trị giá 500 tỷ USD, nhấn mạnh rằng điều này sẽ mang lại lợi ích tài chính và chiến lược cho các nhà đầu tư phương Tây.

“Chính khu vực tư nhân sẽ thực hiện những khoản đầu tư này. Chúng tôi đang xem xét việc tư nhân hóa nhiều hơn và đây là thời điểm thích hợp để mở các công ty lớn hơn,” ông Sobolev phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. 

Trong diễn biến liên quan,  cùng ngày, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và bày tỏ sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để đàm phán về tình hình.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần cam kết sẽ kết thúc xung đột trong vòng 24 giờ nếu trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, sau đó ông điều chỉnh mốc thời gian, hy vọng có thể đàm phán thỏa thuận hòa bình trong vòng 6 tháng.

Các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rằng đội ngũ của ông Trump đang xây dựng một kế hoạch hòa bình cho Ukraine- bao gồm các đề xuất như lệnh ngừng bắn dọc theo các tuyến chiến sự hiện tại và thành lập khu vực phi quân sự dài 1.300 km dưới sự giám sát của quân đội châu Âu. Bên cạnh đó, Ukraine có thể sẽ phải hoãn nguyện vọng gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm.

Mặc dù vậy, Moskva đã từ chối ý tưởng này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng Điện Kremlin không đồng ý với các đề xuất hoãn gia nhập NATO của Kiev hay việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây tại Ukraine.

Nga vẫn khẳng định rằng cuộc xung đột chỉ có thể chấm dứt nếu Ukraine đồng ý trung lập vĩnh viễn, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, đồng thời công nhận “thực tế trên thực địa” về các vùng lãnh thổ.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Moskva đang chờ đợi tín hiệu từ chính quyền Mỹ mới, đồng thời nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Mỹ.

Theo Báo Tin Tức