Bộ GD-ĐT cần chấn chỉnh lệch lạc trong lựa chọn sách giáo khoa

14/06/2020 - 08:08

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội hôm 13-6 về phát triển kinh tế xã hội, các đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình để tránh các hiện tượng tiêu cực trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Phiên họp toàn thể tại hội trường Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV, ngày 13-6

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sẽ được triển khai trên toàn quốc chỉ sau kỳ họp này 2 tháng. Vì vậy, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông là một vấn đề trọng yếu cần được quốc hội xem xét.

Theo đại biểu, sau gần sáu năm thực hiện Nghị quyết 88, gần ba năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã ban hành được chương trình giáo dục phổ thông mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý dẫn chứng, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa các môn học bắt buộc và 7 cuốn sách giáo khoa môn tiếng Anh tự chọn ở lớp 1 để sử dụng từ năm học 2020-2021. Việc biên soạn, xuất bản các bộ sách giáo khoa hoàn toàn dựa trên vốn tự có của các đơn vị xuất bản, đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một khoản không nhỏ, đồng thời đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, thành công bước đầu trong việc thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa là hiện nay đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 các môn học và có 7 sách giáo khoa các môn tự chọn và đã được phê duyệt theo quy định, quy trình, Thông tư của Bộ GD-ĐT và được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện cho năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, theo đại biểu Kim Thuý, Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 01 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực chất ở nhiều địa phương quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau.

“Bộ GD-ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này”, đại biểu Kim Thuý nhấn mạnh.

Từ góc độ thực tiễn quản lý công tác của địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải tăng cường các biện pháp để bảo đảm chất lượng, thông qua Hội đồng thẩm định về nguồn lực, về nhân lực để thẩm định sách giáo khoa có chất lượng một cách công khai, minh bạch.

Đại biểu của Vĩnh Long cho rằng Bộ GD-ĐT nên xây dựng và tính đến cơ chế về giá, vì hiện nay theo chương trình sách giáo khoa mới thì giá sách giáo khoa sẽ do nhà xuất bản định giá và báo cáo về Bộ Tài chính.

“Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ cần có biện pháp để quản lý tốt hơn, làm sao cho tất cả các em học sinh đều có thể có cơ hội được tiếp cận với bộ sách giáo khoa tốt nhất”, bà nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Bộ GD-ĐT cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở, lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp, bảo đảm đúng quy định, tránh các hiện tượng tiêu cực và những ý kiến không hay đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, tạo được niềm tin trong xã hội trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đưa ra ba giải pháp để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Thứ nhất, thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập huấn giáo viên, triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác. Xem xét việc kê giá sách giáo khoa hằng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý. Tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả.

Thứ hai, bảo đảm điều kiện về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. “Tôi được biết nhiều địa phương chưa đủ phòng học, chưa đủ giáo viên để khắc phục tình trạng lớp học quá đông học sinh và thực hiện dạy học hai buổi/ngày ở toàn bộ cấp tiểu học. Không ít địa phương khó tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ, tin học. Đáng tiếc, báo cáo của Chính phủ chưa đưa ra được những thống kê cụ thể và nêu các biện pháp khắc phục khó khăn trong lĩnh vực này” – đai biểu nêu rõ - Thứ ba, tạo tâm thế phấn khởi, sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ giáo viên trước cuộc đổi mới quan trọng trong giáo dục phổ thông.

Theo LÊ HÀ (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích