Điều 21, luật Giáo dục hiện hành quy định: Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên thay đổi quy định theo hướng tăng độ tuổi trẻ mầm non đến trường từ 3 tháng lên ít nhất là 6 tháng khi Bộ đang góp ý sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, cho biết Bộ đã đưa ra những phân tích từ cấp độ cơ quan quản lý. Với phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, ông Minh nêu ra các vấn đề vừa là thuận lợi cũng là khó khăn khi áp dụng vào thực tế.
Thứ nhất, hiện vẫn có trường hợp trẻ mới 3 - 4 tháng tuổi nhưng cha mẹ phải đi làm và không thuê được người giữ trẻ. Do đó, việc giữ nguyên quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện có thể nhận trẻ đáp ứng nhu cầu của đối tượng này, dù rất ít. Việc giữ nguyên độ tuổi đến nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi) là để không bỏ sót đối tượng.
Thứ hai, chương trình giáo dục mầm non đã ban hành là dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi nên không có khó khăn về chương trình. Giáo viên mầm non được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non, tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Tuy nhiên, nhận trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi khó đảm bảo an toàn, độ rủi ro cao nên rất ít cơ sở giáo dục mầm non nhận đối tượng này. Đó là một trở ngại về tâm lý.
Với phương án nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, ông Minh cho rằng, ngoài ưu điểm là phương án này phù hợp với quy định của bộ luật Lao động 2012 “lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng”, bà mẹ có thể ở nhà 6 tháng để giữ con, đảm bảo trẻ được gần gũi mẹ thì việc chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi hay 6 tháng tuổi đều có những khó khăn như nhau.
Ông Minh cho hay, Bộ GD-ĐT vẫn đề xuất, chọn phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vì luật Giáo dục hiện hành quy định cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Bên cạnh đó, phương án này là cần thiết để luật không bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, ông Minh cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến để có phương án tốt nhất.
Theo TUỆ NGUYỄN (Thanh Niên)