Bỏ ghe lên phố

19/10/2021 - 05:02

 - Hành trình ấy chẳng dễ dàng gì. Không phải vì họ không muốn bỏ, mà bỏ rồi thì lại bơ vơ trên bờ. Vậy là, cứ nấn níu sống tạm dưới ghe. Nói tạm cho nhẹ nỗi buồn, chớ có ai sống tạm mấy mươi năm, hết đời cha, đời mẹ, lại đến đời con, đời cháu? Sống tạm lâu đến mức, khi xa rời chiếc ghe rồi, họ cứ ngỡ đang mơ…

Sau khi đi bộ đội về, ông Cao Văn Hải (sinh năm 1967) bần thần trước cảnh cha mẹ qua đời, anh chị bán nhà đi nơi khác. Từ một người vô lo vô nghĩ, gia đình đủ đầy, ông trở nên tứ cố vô thân, chẳng còn gì ngoài chính bản thân mình. Thôi, cũng đến lúc ông tự tạo lập cuộc sống mới cho mình. Vậy là ông từ phường Mỹ Long, xuôi về Mỹ Phước (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), cùng người vợ trẻ bắt đầu đời chòng chành sóng nước. Chiếc ghe nhỏ xíu, cũ kỹ, được ông mua từ một người bạn, giá mấy chỉ vàng chứ ít ỏi gì. Nhưng ông tin rằng, chiếc ghe ấy vẫn chứa đủ tổ ấm của mình, không cần phải mua đất, cất nhà.

Hai người con lần lượt ra đời. Tổ ấm lớn dần, chiếc ghe chứa không nổi nữa. Nhưng lúc này đã quá muộn. Giá đất ngày càng tăng, vượt ngoài tầm với của họ. Ông đổi sang chiếc ghe mới to hơn, hẹn với lòng, một ngày gần nhất mình sẽ rời xa nó. Cuối cùng, ông cũng rời xa nó, nhưng bằng câu chuyện rất buồn.

 “Tôi đi làm suốt ngày, vợ vừa sinh, đứa nhỏ oe oe trên tay. Nửa đêm đang ngủ, chiếc ghe bị thủng, nước tràn vào. Cả nhà tốc lên bờ chạy thoát thân. Chuyển qua chiếc ghe khác, không được bao lâu thì cháy. Tôi đi làm về, mở cửa ra, muốn té xỉu vì khói xộc vào mũi. Hổng biết tại sao ghe cháy. Chuyện lỡ rồi, biết trách ai?” - ông Hải kể.

Những căn nhà khang trang ấm nghĩa tình cho các hộ dân

Cuộc sống bấp bênh cứ vận vào đời ông như thế. Buôn gánh bán bưng ở chợ nổi chỉ tạm đủ sống. Đến khi các con trưởng thành, lập gia đình, vợ chồng ông vẫn chưa rời được kiếp thương hồ.

Lúc không ngờ đến, đời họ lại bước sang trang mới. Làng ghe Mỹ Phước được di dời, họ lên bờ, sống ở nhà trọ, chờ ngày được trao nhà Đại đoàn kết. Tổng cộng, ông đến “nhà mới” 2 lần, từ lúc nhà xây dựng đến lúc nhận quyết định bàn giao. Lúc tôi gặp, ông Hải đứng tần ngần trước nơi “đã trở thành nhà mình”. Ông sợ bàn tay lam lũ của mình làm bẩn tường mới. Ông sợ đôi dép đang mang không đủ sạch để bước vào nhà.

 Ông nhẩm tính: “Cái bếp gas cũ sét hết, ráng để dành tiền mua cái mới. Mấy bộ chén đũa người ta bỏ đi, mình đem về xài mót, nay có nhà rồi, chịu khó thay luôn. Nồi cơm điện được chính quyền tặng, đỡ tốn tiền quá…”. Tôi quay mặt đi, không nỡ nghe những lời ấy, sợ ông lúng túng vì cảnh khổ của mình.

Ngày 20 hàng tháng là hạn đóng tiền nhà trọ. Ông cứ quẩn quanh nỗi lo lắng chi phí này. Bởi vậy, ông chẳng cần coi ngày dọn nhà gì hết, cứ tranh thủ trả chỗ trọ trước ngày 20. Đỡ tốn cả triệu bạc, có gì tốt hơn nữa đâu mà coi. “Thằng con đi làm công nhân ở xa. Tôi khoe với nó: “Nhà đẹp lắm con ơi!”. Nó hứa Tết về chơi, để biết cảm giác ở nhà mới luôn”. Ông chia tay tôi, tất tả trở về phòng trọ dọn đồ, nụ cười lấp lánh giữa phố thị.

Cuộc sống bà Nguyễn Thị Mận (sinh năm 1985) cũng mặn đắng nỗi niềm. Sóng gió trên sông, chắc gì lắc lư hơn sóng gió đời bà! Bà sinh ra trên ghe, cả tuổi thơ bó hẹp trong chiếc ghe. Đến lúc lập gia đình, vợ chồng bà “ra riêng” bằng chiếc ghe khác. Hôn nhân đổ vỡ, bà một mình loay hoay nuôi 4 đứa con. Phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng bà mang vác, xoay trở, mua bán biết bao trái dừa qua từng ấy năm mưu sinh. Dừa tuy nặng, nhưng ít hư; lãi không nhiều, nhưng hiếm khi lỗ.

Năm nay, thực hiện chủ trương di dời làng ghe, bà đem 4 đứa con lên bờ. Vừa đi hôm trước, hôm sau chiếc ghe chìm. So với cái buồn dữ dội của ông Hải khi bị chìm ghe, bà thấy nhẹ nhàng hơn. Dường như đó là điềm báo rằng bà đã bước sang trang mới, sống vững chãi trên bờ, trong tình yêu thương của mọi người.

 “Lúc nghe tin được cất nhà, tôi mừng lắm, ngủ không được. Hồi trước, tôi nặng 84kg, vậy mà mấy tháng rày, tôi giảm 14kg! Bữa mấy anh chị ở địa phương dẫn tôi đi xem nhà, dù chưa bốc thăm, chưa biết chính xác sẽ ở nhà nào, tôi vẫn vui phát khóc! Thiệt tình, tôi chỉ muốn ôm mấy anh chị bày tỏ lòng cảm kích của mình” - bà Mận chia sẻ, đôi mắt lại bắt đầu ngấn nước.

Nhìn cảnh ấy, cán bộ địa phương ai nấy vui lây. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước Lê Minh Đạt bày tỏ: "Thấy người dân ở làng ghe được nhận nhà đại Đoàn kết, tôi mừng cho họ. Sống lênh đênh trên sông nước, dù là truyền thống gia đình, nhưng luôn rình rập nguy hiểm, con nhỏ dễ gặp sự cố đuối nước. Về đây, họ sống trong khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, nhà ở khang trang. Đặc biệt, cuộc sống sau này của họ sẽ đỡ khổ, vì có thể buôn bán ở chợ gần đây, chắc chắn sẽ cải thiện hơn so với sống trên sông nước".

Những ngày sắp tới, các hộ dân làng ghe Mỹ Phước sẽ chẳng còn chông chênh, chẳng còn lo lắng con nước đưa họ trôi về đâu. Tết này, họ sẽ bỡ ngỡ “ăn Tết trên bờ” lần đầu trong đời. Bỏ ghe lên phố thị, là họ bỏ lại tháng ngày vất vả, bỏ lại đời thương hồ rày đây mai đó… Để rồi, họ nhận lại cuộc sống chan hòa trong sự đùm bọc, chăm lo của nhiều người, nhiều tấm lòng.

UBMTTQVN TP. Long Xuyên phối hợp Đảng ủy phường Mỹ Phước vừa tổ chức lễ khánh thành Khu dân cư Đại Đoàn kết Hòa Thạnh (khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh), trao nhà cho 24 hộ dân sinh sống trên ghe ở khóm Đông Thịnh 1. Mỗi căn nhà Đại đoàn kết có diện tích từ 40-48m2; lót nền gạch, khung tiền chế, mái tole, có nhà vệ sinh. Tổng kinh phí xây dựng hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia chi nhánh An Giang tài trợ 1,44 tỷ đồng; TP. Long Xuyên vận động xã hội hóa 192 triệu đồng.

GIA KHÁNH