Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, vừa được đại biểu Quốc hội thông qua ngày 19/6, khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.
Nghị quyết mới "cứu nguy" cho Bộ Giáo dục
Trước đó, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Điều này nhằm tránh tình trạng không có sách giáo khoa xã hội hóa đạt yêu cầu để phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Khoản kinh phí nhà nước dự kiến cho việc biên soạn sách là 16 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới).
Tuy nhiên, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã xin không tiếp tục biên soạn sách giáo khoa vì không tìm được tác giả biên soạn sách. Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ này đã hai lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa.
Việc xã hội hóa sách giáo khoa sẽ tạo sự canh tranh, nâng cao chất lượng sách. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với thực tế đó, ông Nhạ cho rằng nếu cố biên soạn một bộ sách sẽ không khả thi và cũng không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong khi chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã được các nhà xuất bản và các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc ngừng biên soạn một bộ sách của bộ sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Nghị quyết mới của Quốc hội đã "cứu nguy" cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khi theo Nghị quyết này, bộ sẽ không cần biên soạn sách khi công tác xã hội hóa sách giáo khoa được triển khai tốt, đảm bảo đủ sách đạt yêu cầu cho học sinh.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thẩm định sách giáo khoa lớp 1 và đã có 5 bộ sách giáo khoa với đầy đủ các môn đạt thẩm định. Như vậy, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không phải biên soạn sách giáo khoa lớp 1.
Với các lớp tiếp theo, hiện các nhà xuất bản cũng đang gấp rút biên soạn sách theo hình thức cuốn chiếu để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, kịp thời phục vụ cho các năm học theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thông tin từ các nhà xuất bản cho hay đến thời điểm này, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 (phục vụ năm học 2021-2022) cơ bản đã được viết xong, đang được các đơn vị rà soát, thẩm định tại đơn vị mình để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Bộ dù thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa các lớp này.
Sách giáo khoa mới sẽ được triển khai trong các nhà trường từ năm học 2020-2021, bắt đầu với lớp 1. (Ảnh: TTXVN)
Cạnh tranh lành mạnh hơn
Theo thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn sách giáo khoa không chỉ bớt tốn kém ngân sách mà còn giúp việc cạnh tranh giữa các đơn vị xuất bản lành mạnh hơn. Các đơn vị khi chọn sách sẽ không bị “bóng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm giảm sự công minh, dù có thể chỉ ở khía cạnh tâm lý. Bộ cũng không vướng vào cảnh “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi vừa biên soạn lại vừa thẩm định sách giáo khoa.
Đây cũng là quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Theo bà Thúy, việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, vừa khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đồng tình với việc không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có nhiều sáng kiến viết sách giáo khoa. Bà Quyên cho rằng điều này sẽ góp phần hạn chế việc độc quyền và tạo điều kiện nhiều hơn cho các cơ sở có nhiều danh mục để lựa chọn sách giáo khoa, cạnh tranh bình đẳng, khách quan trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Nhìn ở góc độ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu cho rằng bộ nên tập trung làm tốt vai trò này thay vì trực tiếp biên soạn sách.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cử tri ngành giáo dục có phản ánh, trên thực chất ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. “Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này,” bà Thúy cho hay.
Đại biểu Thúy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc đảm bảo chọn sách giáo khoa đúng quy định, đảm bảo chất lượng sách, bồi dưỡng giáo viên và tính đến cơ chế về giá sách giáo khoa.
Theo PHẠM MAI (Vietnam+)