Bộ GD&ĐT cho biết năm học 2023-2024, các địa phương đề xuất bổ sung 104.656 giáo viên so với năm trước, nâng tổng số biên chế giáo viên cả nước lên gần 1,2 triệu. Trong đó, nhu cầu về giáo viên mầm non và THCS nhiều nhất.
Cô và trò Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Hà Nội là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên. (Ảnh: Lan Anh)
Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT dự kiến bổ sung 27.868 biên chế cho năm học 2023-2024. Số còn lại sẽ bổ sung với trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo, đến 2026.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người).
Trong đó, Thanh Hóa và Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Bình Dương... là những địa phương thiếu nhiều nhất.
Trong năm 2024, Bộ GD&ĐT tạo tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách đãi ngộ nhà giáo.
Bộ GD&ĐT cũng cho hay sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành giáo dục; đảo đảm các điều kiện về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý yên tâm công tác, cống hiến và thu hút được người giỏi vào ngành.
Tháng 7/2022, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục, riêng năm học 2022-2023 là 27.850. Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, các địa phương mới tuyển được trên 50% số này.
Lý giải thực tế này, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên.
Theo Người Lao Động