Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 10-11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực trạng một số tỉnh người lớn đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến. "Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng ý kiến thế nào?", đại biểu Thủy nêu vấn đề.
Không nên chờ tiêm đủ vaccine mới cho học sinh đi học
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mới đây, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị với các địa phương, tinh thần là các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học. Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học nhưng cũng đảm bảo an toàn.
Các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học, vì hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên. Hơn nữa, Bộ trưởng Y tế cho rằng rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không lớn. Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2.
Bộ trưởng Long nhắc lại Nghị quyết 128 nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện WHO chưa thể dự báo dịch COVID-19 khi nào mới kết thúc và thời gian tới xuất hiện biến chủng mới không.
Trong tình hình đó, các nước thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Hiện 105/134 quốc gia mở cửa trường học. Do đó, các địa phương ở nước ta cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.
"Học sinh đi học trở lại, nếu trường học xuất hiện F0, thì cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, thì chỉ nên phong tỏa lớp học, tầng học, tòa nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học, tầng học, tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
Tăng giá dịch vụ để đảm bảo nhân lực y tế phục vụ
Từ điểm cầu Đoàn ĐBQH TP.HCM, đại biểu Trần Kim Yến cho biết, những ngày gần đây y tế cơ sở là cụm từ rất nóng, đây không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập rất nhiều lần trước đây.
Tuy nhiên, các chính sách nêu trên chưa phát huy hiệu quả trên thực tiễn, đã bộc lộ những hạn chế bất cập nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đối với y tế cơ sở. Theo bà Yến, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ rất thấp (chỉ 1,8 điều dưỡng/bác sĩ), trong khi yêu cầu tối thiểu là từ 3 – 3,5 điều dưỡng viên/bác sĩ.
Bà Yến đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên.
Đại biểu Trần Kim Yến đặt câu hỏi từ điểm cầu TP.HCM.
Giải đáp các câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến về thực trạng y tế cơ sở mỏng, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận việc sử dụng nhân lực còn hạn chế. Thông thường, một bác sĩ phải có 3 - 3,5 điều dưỡng mới có thể đảm bảo chăm sóc toàn diện, nhưng thực tế nhiều đơn vị tuyển dụng nhân lực y tế khó khăn, nhất là về tài chính của hệ thống y tế.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam chưa đạt được tỷ lệ này vì vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về hệ thống y tế. Hiện nay nhiều bệnh viện đã chuyển sang cơ chế tự chủ, vì vậy việc tuyển dụng làm việc trong các cơ sở y tế còn khó khăn.
Mặt khác, Việt Nam chưa tính đúng, tính đủ về giá hiện nay và giá dịch vụ y tế vẫn đang đứng thứ 2 trong số 4 yếu tố cấu thành giá nên chưa đạt yêu cầu.
"Chính vì vậy tới đây, chúng ta sẽ cố gắng tăng giá dịch vụ y tế để đảm bảo nhân lực y tế phục vụ một cách toàn diện”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Giải pháp Bộ trưởng Long đưa ra là tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo và sắp xếp việc sử dụng nhân lực ở các bệnh viện một cách phù hợp.
Theo Bộ trưởng, thực tế bác sĩ đào tạo 6 năm, tới đây là 9 năm, nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương ngang người đào tạo 4 năm.
"Vì vậy khi Chính phủ ban hành quy định một bác sĩ khi học 6 năm ra trường sẽ được hưởng lương ở mức độ 2, song quy định này chưa được áp dụng. Thời gian tới sẽ được triển khai thực hiện để bảo đảm việc thu hút nhân lực, cũng như bảo đảm việc đào tạo và sử dụng nhân lực y tế phù hợp", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tình hình dịch COVID-19 từ nay đến năm 2022
Cũng trong sáng nay, đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nêu băn khoăn về công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua đã đạt kết quả ra sao và dự báo diễn biến dịch từ nay tới năm 2022 sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi, tư lệnh ngành y tế thừa nhận việc dự báo tình hình dịch COVID-19 thời gian qua ở Trung ương và địa phương chưa sát thực tế.
“Việc dự báo với COVID-19 hết sức khó khăn, tất cả quốc gia chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ đưa ra dự báo dịch chưa thể kết thúc năm 2022 và hy vọng 2023 trở thành bệnh theo mùa”, ông Long chia sẻ.
Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ quan ngại khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, thì dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo địa phương tăng cường ứng phó. Từ nay đến cuối năm dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng có một số nơi, một số người dân đã không áp dụng biện pháp theo khuyến cáo của cơ quan y tế như 5K.
Nêu quan ngại khi miền Bắc đang vào mùa lạnh, dịp Tết có nhiều hoạt động đông người, ông Long lưu ý các địa phương phải tăng phủ vaccine để giảm ca mắc và tử vong.
“Cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì chống dịch vẫn là trọng tâm ưu tiên”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Ông Long khẳng định chiến lược vaccine của Việt Nam đã triển khai thành công. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, thành công chiến lược vaccine trên các khía cạnh như mua, nhập khẩu vaccine. Việt Nam đã có hợp đồng, thỏa thuận gần 200 triệu liều vaccine và có thể tăng lên.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ thêm về việc phân bổ vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Bộ Y tế ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật độ dân cư lớn… Cùng với đó, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tập trung tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.
Việc tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi, Bộ trưởng cho biết, trước mắt sẽ cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.
Còn về tiêm mũi 3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện và cuối tháng 12. Tuy nhiên, mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 9-11, 12 tỉnh thành gồm: Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP HCM, Cà Mau, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Nai, Kiên Giang, Sóc Trăng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Khoảng gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho trẻ.
Theo VTC News