Hắn cười khẩy, việc nhìn thấy chưa chắc đã là đúng, nói chi lời đồn đoán. Đôi khi mình chỉ thấy được những cái người ta muốn cho mình thấy, còn lại thì, có trời mới biết. Lúc còn qua lại với nhau, lão đã nói với hắn như vậy.
Hắn với lão từng là chỗ thân tình. Thân lắm luôn. Đến nỗi nhiều lúc hắn còn ước được gọi lão bằng cha. Thực ra, trong tâm hắn, từ lâu đã coi lão như cha. Hắn quan tâm, săn sóc lão còn hơn cả hai đứa con của lão. Hắn ngẫm lại, chua chát nghĩ, đời thằng không cha nó ngu thế đấy, thèm khát một người cha đến nỗi không nhận ra cáo hay mèo.
Ngày hắn mới vào làm, người đầu tiên nở nụ cười với hắn là lão. Cũng có thể do hắn lạ, cũng có thể do cái mặt hắn khó ưa nên người ta chỉ ậm ừ với hắn cho xong khi hắn cất lời chào. Chỉ có duy nhất lão là cười. Nụ cười hiền thân thiện khiến hắn cảm thấy vững dạ hơn khi chân ướt chân ráo đến một nơi lạ huơ lạ hoắc.
- Ngồi đi con. Tạm thời công việc của con cũng không có gì nặng nhọc.
Lão chỉ cho hắn một tủ kính phía cánh phải của căn phòng.
- Con sắp xếp lại tất cả những giấy tờ trong đó theo từng loại và theo trình tự thời gian. Mấy tập văn bản bị ố, xỉn màu, nhòe chữ con đánh lại luôn nha.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Hắn thở phào, nhẹ cả người, việc chẳng có gì khó khăn đối với một gã thanh niên. Làm cùng phòng , hắn thấy lão luôn hiền và nhẹ nhàng. Hắn còn cảm nhận sự ngấm ngầm dành ưu ái của lão đối với mình nên với lão, hắn chẳng nề hà chuyện gì. Từ việc cơ quan đến việc gia đình, chỉ cần lão nói, hắn đều có mặt, làm hết, đâu ra đấy. Đến nỗi có bữa ngày cuối tuần, đang ngồi ăn cơm với mẹ, lão gọi điện cho hắn bảo có ít rễ cây vừa được biếu cần chặt ngâm rượu. Chỉ thế thôi mà hắn bỏ dở cả bữa cơm, xách xe chạy đến nhà lão giữa trưa nắng, để bà mẹ ngồi ăn cơm một mình buồn xo. Hơn tiếng sau hắn về, mâm cơm mẹ hắn còn đó nhưng nguội ngắt nguội ngơ.
- Chi mà khổ vậy con? Thế mấy đứa con ông ấy không làm được à?
- Mẹ không biết gì cả. Chú ấy không tin tưởng giao cho mấy thằng con làm. Người ta có coi mình như người trong nhà mới nhờ làm mấy việc đó đấy.
Mặt hắn nói tỉnh bơ, vui vẻ ngồi ăn nốt bát cơm còn bỏ dở.
Mẹ hắn thở dài. Bà biết, con trai luôn cảm thấy ấm áp và được che chở, quan tâm từ khi gặp ông sếp của nó. Nhưng lòng người mà, con bà còn quá trẻ để hiểu hết nông sâu. Chưa biết chừng… Là bà nghĩ vậy chứ nào có dám nói với con. Ngộ nhỡ oan cho người ta, mình mắc tội. Với lại con bà chưa chắc đã nghe. Bà nợ con một người cha cho nó.
Bà vẫn nghĩ sẽ không lấy chồng sau khi bị mối tình đầu phụ bạc nhưng khi 40 tuổi tự nhiên bà lại muốn có một đứa con. Có đứa con để sau này nương tựa tuổi già. Bà luôn tự trách mình ngày đó sao ích kỷ quá, chỉ biết mình muốn có đứa con mà không nghĩ được rằng đứa bé cũng cần một người cha.
Suốt những năm tháng tuổi thơ bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc, hắn đã nhiều lần hỏi mẹ về cha. Chỉ mới đây thôi hắn mới không hỏi nữa bởi mẹ hắn đã kể hết cho hắn nghe. Hắn không trách mẹ nhưng vẫn ao ước có một người cha.
Có bữa hắn ngồi hầu rượu lão, nghe lão nói: "Hai thằng con chú mà được bằng nửa cháu thì chú đã thấy vui lắm rồi. Tiếc là chú không có con gái chứ không nhất định chỉ chấm mày làm con rể".
Khỏi phải nói, dù là rể hỡi ơi thì hắn cũng đã thấy sung sướng lắm rồi. Phải yêu quý thế nào lão mới nói vậy chứ. Mà hắn thấy thường khi người ta ngồi nhâm nhi dăm ba chén, cà kê với nhau đến khi ngà ngà say thì toàn nói những lời thật lòng cả.
- Sao còn chưa ăn sáng? Đồ ăn nguội hết cả rồi.
Tiếng mẹ hắn chen ngang dòng suy nghĩ của hắn.
- Con có đến thăm ông ấy không? Nghe đâu ông ấy bệnh nặng lắm rồi hả?
- Con cũng không biết nữa.
Hắn trả lời nhẹ tênh. Như người "bệnh nặng lắm rồi" kia chưa từng liên quan gì đến mình. Lão về hưu được vài năm, hắn phát hiện ra mình bị lão lợi dụng, lão chỉ coi hắn như một công cụ để làm lợi, để đánh bóng tên tuổi. Bởi vậy, hắn không qua lại nữa. Thế thôi, cũng chẳng ồn ào gì cả.
- Mai được nghỉ, con đến thăm ông ấy đi. Dù sao cũng chỗ đi lại lâu nay.
Hắn không nói gì. Thực ra, ngày bạn gái của con trai lão đỗ biên chế vào vị trí hợp đồng của hắn, khiến hắn văng cù bắp, thành kẻ cà lơ thất thểu, hắn chỉ nghĩ do mình thi không tốt bằng người ta. Lão cũng động viên hắn nhiều lắm. Thư thư thời gian chú tính. Hắn yên tâm. Trong khi chờ đợi xin được việc làm ở một cơ quan khác, hắn ở nhà, làm dịch vụ chấp bút, viết bài này nọ kiếm cơm.
Khách hàng đầu tiên và lâu dài của hắn là lão. Tất nhiên, hắn coi lão như cha, đời nào chịu lấy tiền. Thi thoảng lão đưa chai dầu, hộp bánh, lọ thuốc bổ về cho mẹ, hắn mừng ra mặt, trân quý lắm. Bởi vậy càng dốc lòng. Hắn giúp lão viết tự truyện, một cuộc đời với bao chông gai, khó khăn nhưng nhờ nghị lực thép và lối sống nhân hậu nên cuối cùng cũng gặt được quả ngọt. Hắn giúp lão viết thơ. Cứ ý của lão lằng nhằng gì đó, hắn vắt óc trằn trọc rồi biên thành thơ.
Những bài thơ suy ngẫm về thời cuộc, về nhân tình thế thái. Tự chỉnh sửa, tự sắp xếp xong thì đọc cho lão nghe. Lão gật đầu, chốt. Lão lắc đầu, sửa. Ba năm từ khi lão về hưu, hắn giúp lão xuất bản hai cuốn tự truyện, ba tập thơ. Người ta khen lão có tài kinh bang tế thế lại có tâm hồn văn chương thơ phú. Chỉ ba năm về hưu mà làm nên sự nghiệp thơ văn. Lão cười. Hắn thấy yêu nụ cười sang sảng của lão và cũng ngấm ngầm tự hào.
Trong buổi ra mắt tập thơ thứ ba, khi đang lăng xăng chuẩn bị, tiếp đón khách mời, hắn tình cờ nghe được người ta thì thầm với nhau:
- Thằng đó thì làm được cái gì. Anh Hai (cách người ta gọi lão để tăng sự thân mật) bảo nó chỉ có thể đánh máy. Khi nó chưa tìm được công việc hẳn hoi, thấy tội, cứ viết xong lại giao cho đánh máy giùm…
Tai hắn ù đi. Chẳng có lẽ... Hắn không muốn tin nhưng cái cách người ta nhìn hắn thì hắn thấy rõ. Bữa đó hắn xin về sớm vì thấy không được khỏe. Lão phẩy tay, ừ về nghỉ ngơi đi. Bữa sau lên chú, cầm hộp sữa về cho mẹ nhé.
Hắn ra xe, còn nghe lời phát biểu của lão. Tập thơ là tâm tư, tình cảm của tôi gửi tới cuộc đời. Qua đây, tôi muốn nói rằng con người ta, sống trên đời, điều còn lại duy nhất là cái tình…
Hắn phóng vù xe đi. Cái tình của hắn và lão sao nặng trịch thế này, khiến hắn cảm thấy muốn ghẹt thở. Rồi bằng cách này hay cách khác, hắn còn được nghe rất nhiều điều không tốt về mình: năng lực chuyên môn yếu, tính tình tủn mủn, vào được vị trí này do chạy chọt chứ chẳng thi thố gì,... Mà tất cả những điều đó lại được nói ra từ lão. Hắn ít đến rồi thôi hẳn. Hắn không biết lão nghĩ gì nhưng cũng chẳng bao giờ thấy lão gọi hắn đến để "giúp chú việc này việc kia" nữa.
Vậy mà mấy năm trôi qua. Bữa nay nghe lão bệnh. Căn bệnh gì lạ, khiến con người ta từ uy quyền, nói ra thép, thét ra lửa, toan tính ra trùng trùng đường ngõ trở nên hiền khô, ngây ngô như đứa trẻ, lành hơn cả cục đất. Hắn bán tín bán nghi.
Dù sao cũng đã từng gắn bó. Hắn đến nhà lão. Trên đường đi, hắn đã mường tượng ra biết bao kịch bản gặp gỡ, soạn ra bao câu nói để đỡ bị bắt chẹt. Dừng xe ở chiếc cổng sơn xanh quen thuộc, hắn lưỡng lự. Nếu như trước đây, hắn sẽ vừa đẩy cửa vào vừa gọi to. Nhưng nay khác. Hắn tần ngần.
- Huy hả con? Lâu quá rồi không thấy con đến. Công việc dạo này sao rồi? Sắp cưới vợ chưa? Vào nhà đi, chú ở nhà đấy.
Vợ lão - cô Hiền - niềm nở, hỏi hắn một hồi khiến hắn chỉ biết cười cười. Hắn nhanh tay đỡ làn đồ ăn trên tay cô rồi xách vào bếp - như trước đây hắn từng làm vậy mỗi khi gặp cô đi chợ về.
- Mình ơi, cháu Huy đến chơi này!
Không có tiếng đáp lại. Hắn theo cô Hiền đi ra phía mảnh vườn nhỏ sau nhà. Lão đang ngồi trên chiếc ghế mây, người hơi ngả ra sau, trên tay còn cầm cuốn tự truyện, phần một. Nghe tiếng vợ, lão quay ra cười. Không phải nụ cười sang sảng trước kia mà nụ cười mừng vui như một đứa trẻ.
- Cháu Huy đến chơi. Mình nhớ không?
Lão nhìn hắn, gật gật đầu chào nhưng ánh mắt rõ là ngơ ngác, như chưa hề quen. Cô Hiền bảo sau đợt ốm nặng tưởng chết năm ngoái, nằm viện hơn tháng về lão thay đổi hẳn, chẳng còn nhớ ai từ thân đến sơ. Ngay cả cách cầm bút cũng không biết chứ mong gì đến viết đôi câu thơ.
- Bây giờ sách vở chữ nghĩa biết ông ấy chứ nào ông ấy biết chúng đâu. Cũng may còn nhớ được vợ con.
Hắn chột dạ nhớ lại lời mấy người từng bị lão đối xử tệ. Họ bảo ông trời kể ra cũng ưu ái lão, cho lão quên hết mọi thứ để cuối đời bớt cảm thấy tội lỗi. Có thể đúng, có thể không. Hắn ngồi nói chuyện với cô Hiền một lúc rồi từ biệt ra về.
Lúc ra chào, hắn thấy lão đang cầm bút, lóng ngóng tập viết tên mình vào bìa sau cuốn tự truyện. Hắn thấy lòng mình nhẹ tênh khi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu: "Đời người như bóng phù du. Sớm còn tối mất công phu lỡ làng" (truyện Lục Vân Tiên).
Tác giả Ý Thu
Ý Thu là bút danh của Trương Thị Thúy. Sinh năm 1985, quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đang là giáo viên tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Bắt đầu sáng tác từ năm 2014, cho đến nay, Trương Thị Thúy có nhiều tản văn, truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí; đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi viết.
Truyện ngắn của Ý Thu
Theo Người Lao Động