Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Đức

01/10/2023 - 10:29

Số liệu sơ bộ của Cục Thống kê liên bang Đức vừa công bố cho thấy, giá tiêu dùng ở Đức vẫn ở mức cao nhưng lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang tiếp tục có xu hướng giảm mạnh và trong tháng 9 đã xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine. Đây là tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đè nặng lên hoạt động kinh tế của châu lục do làm giảm nhu cầu về tín dụng, cản trở đầu tư và tiêu dùng. Kinh tế Đức giảm mạnh kéo đà tăng trưởng của khu vực đi xuống.

Người mua hàng tại một phố mua sắm sầm uất ở Hamburg, ngày 3/12/2022. (Ảnh: REUTERS)

Giá tiêu dùng trong tháng 9 ở Đức chỉ tăng trung bình 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đạt 6,1% trong tháng 8. Hiện tốc độ tăng giá năng lượng đã chậm lại đáng kể khi giá năng lượng sử dụng cho hộ gia đình và nhiên liệu chỉ tăng 1% so với một năm trước.

Mức lạm phát trong tháng 9 là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 - thời điểm lạm phát chỉ ở mức 4,3%. Lý do khiến lạm phát giảm đáng kể lại do cách thống kê, trong đó việc Chính phủ Đức đưa ra chương trình giảm giá nhiên liệu từ tháng 6-8/2022 nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng lại không được đưa vào thống kê dùng để so sánh với mức lạm phát của năm trước. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ lạm phát giảm mạnh.

Giá dịch vụ cũng cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh) đã giảm từ 5,5% xuống 4,6%.

Mức lạm phát trong tháng 9 là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 - thời điểm lạm phát chỉ ở mức 4,3%. Lý do khiến lạm phát giảm đáng kể lại do cách thống kê, trong đó việc Chính phủ Đức đưa ra chương trình giảm giá nhiên liệu từ tháng 6-8/2022 nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng lại không được đưa vào thống kê dùng để so sánh với mức lạm phát của năm trước. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ lạm phát giảm mạnh.

Theo nhà kinh tế Salomon Fiedler của Ngân hàng Berenberg, lạm phát ở Đức sẽ tiếp tục xu hướng giảm và đến cuối năm 2024, tỷ lệ lạm phát có thể giảm xuống dưới 2,5%. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Jürgen Michels của Ngân hàng BayernLB nhận định, các hiệu ứng cơ bản sẽ tiếp tục có tác động trong những tháng tới, nhưng tỷ lệ lạm phát sẽ khó có thể duy trì ở mức trên dưới 2% cho đến năm 2025. Trước đó, Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cũng dự báo lạm phát ở Đức có thể tiếp tục giảm trong năm nay.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Đức phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hơn một năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã không tăng trưởng trong quý II/2023, sau khi giảm liên tiếp 0,5% và 0,3% trong hai quý trước đó. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến kinh tế Đức năm 2023 sẽ giảm 0,4%, giảm mạnh hơn so với mức dự báo 0,2% trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tăng trưởng âm trong năm nay.

Giá năng lượng tăng vọt trong năm 2022 đã chấm dứt quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sức mua của người dân giảm mạnh. Lãi suất cơ bản tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng. Tâm trạng của các doanh nghiệp gần đây tiếp tục xấu đi. Báo cáo ngày 25/9 của Viện Ifo cho thấy, chỉ số tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp Đức đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Đức sẽ suy giảm trong năm nay do ngành công nghiệp và tiêu dùng tư nhân phục hồi chậm hơn mức dự báo trước đây.

Theo EC, kinh tế Đức chịu tác động đáng kể do ngành công nghiệp và xuất khẩu sụt giảm. Các chỉ số kinh tế cho thấy, sản lượng của Đức cũng sẽ giảm đáng kể trong quý III năm nay. Tuy nhiên, một số chỉ số khả quan cũng cho thấy suy thoái có thể sẽ giảm dần vào cuối năm.

Sự suy giảm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu khiến tăng trưởng của Eurozone đã bị ảnh hưởng. Theo EC, tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 20 nước thành viên Eurozone năm 2024 sẽ đạt 1,3%, giảm so mức dự báo 1,6% được đưa ra trước đó. Tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU năm tới sẽ ở mức 1,4%.

Bên cạnh đó, cơ quan nêu trên cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của EU năm 2023 từ mức 1% được đưa ra trước đó xuống 0,8%. Sức mua yếu, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm, cũng như tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ là những yếu tố tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Đức. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đối mặt một triển vọng ảm đạm với nhiều thách thức trong tiến trình phục hồi sau đại dịch.

Theo THANH VÂN (Báo Nhân Dân)